"Đưa thông tin lên các trang mạng mua bán dễ bị đánh cắp thẻ tín dụng"

TCKD-Thứ bảy, ngày 07/09/2013 13:00 GMT+7

Đây là nhận định của Trung tá Lê Xuân Minh, Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 trong cuộc trao đổi về thủ đoạn của các đối tượng trong vụ làm thẻ thanh toán giả xuyên quốc gia mới đây.

Qua một loạt sự việc liên quan đến thẻ tín dụng có thể thấy tình hình tội phạm làm giả thẻ tín dụng và ăn cắp thẻ tín dụng dường như có xu hướng tăng lên ở Việt Nam. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Trung tá Lê Xuân Minh: Tội phạm trong lĩnh vực tội phạm cao nói chung và tội phạm trong lĩnh vực thẻ tín dụng nói riêng đang có chiều hướng tăng lên về số lượng cũng như lượng tiền mà các đối tượng chiếm hưởng.

Tại Việt Nam có hơn 40 triệu thẻ thanh toán với hơn 200 loại thẻ của hơn 100 ngân hàng. Thẻ tín dụng đã trở lên khá phổ biến và là công cụ thanh toán hữu hiệu cho việc không sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, đi cùng với đó là các loại tội phạm liên quan đến thẻ tín dụng cũng có đột biến.

Năm 2007, khi những vụ án đầu tiên liên quan đến thẻ tín dụng thì số lượng tiền các đối tượng chiếm đoạt ở con số vài tỷ, nhưng đến nay đã có những vụ án với con số lên đến hàng trăm triệu USD, đồng thời, số vụ khám phá liên quan đến lĩnh vực này có chiều hướng gia tăng.

Vụ làm thẻ thanh toán giả xuyên quốc gia mới bị phát hiện là vụ án với phương thức thủ đoạn mới mà chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị tiến hành điều tra.

‘ Trung tá Lê Xuân Minh (phải) trong cuộc trao đổi.

Ông có thể phân tích cụ thể về thủ đoạn mà các đối tượng thường hay sử dụng để ăn cắp thông tin thẻ tín dụng?

Trung tá Lê Xuân Minh: Về thủ đoạn các đối tượng sử dụng trong lĩnh vực thẻ ngân hàng, chúng tôi tổng kết có 3 dạng chính: dạng thứ nhất, các đối tượng tiến hành xâm nhập vào các trang thông tin bán hàng cũng như hệ thống thanh toán để đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của khách hàng. Sau đó, chúng sử dụng các thông tin đánh cắp để trao đổi, mua bán và sử dụng mua hàng.

Dạng thứ hai là việc các đối tượng gốc Phi đang tiến hành nhập cảnh vào Việt Nam và đem theo những thẻ tín dụng giả từ nước ngoài hoặc mang các thiết bị làm thẻ tín dụng giả đẻ chiếm dụng tiền của chủ thẻ.

Dạng thứ ba cũng liên quan đến các đối tượng nước ngoài. Các đối tượng này mang thiết bị thông minh gắn trên máy ATM để thu dữ liệu tại các cây ATM cũng như các điểm thanh toán. Sử dụng cách thức này, chúng chiếm đoạt thông tin, làm giả thẻ tín dụng hoặc sử dụng thông tin bất hợp pháp để mua bán hàng hóa.

Vậy mức độ tinh vi của những thủ đoạn này gia tăng như thế nào?

Trung tá Lê Xuân Minh: Thực ra, tội phạm trong nước và tội phạm nước ngoài đã có mối liên thông với nhau một cách rõ ràng và chúng trao đổi thông tin.

Khi thế giới cập nhật các phương thức, thủ đoạn mới nhất thì tội phạm Việt Nam cũng cập nhật được các phương thức thủ đoạn đó. Do đó, những kẽ hở, kỹ thuật từ phần mềm, khâu quản lý các hệ thống bán hàng, thanh toán đều được cập nhật, chia sẻ tự do trên mạng.

Qua vụ việc này, ông có thể đưa ra lời cảnh báo cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng và cả người sử dụng thẻ tại Việt Nam?

Trung tá Lê Xuân Minh: Thứ nhất, với người sử dụng thẻ cần nâng cao ý thức của mình về việc tự bảo vệ thông tin, tài sản của mình. Tăng cường tính bảo mật cho thẻ bằng cách không đưa người khác sử dụng, không đưa thông tin lên các trang mua bán trên mạng không uy tín.

Chúng tôi muốn có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với các cơ quan hành pháp để có thông tin nhanh chóng nhất.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước