Được minh oan sau 9 năm ngồi tù

Hoàng Lương - Nguyễn Sơn-Thứ bảy, ngày 03/04/2010 20:00 GMT+7

Qua hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, cả 3 bị cáo đều kêu oan. Quyết định kháng nghị này đã trả lại tự do cho họ, nhưng cả ba người đã mất hơn 9 năm ngồi tù một cách oan uổng...

Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên (từ trái qua) tiếp tục chuẩn bị chứng cứ để yêu cầu cơ quan tố tụng xin lỗi, bồi thường.

Tỷ lệ án oan sai trong những năm gần đây đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, chỉ riêng trong năm 2009 vẫn còn trên 6.500 bản án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Thực tế này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và xem trọng việc giáo dục tư cách, đạo đức cho nhiều cán bộ thực thi pháp luật.

Vụ án oan sai vừa được Viện KSND Tối cao đánh giá là “một trong những sai lầm nghiêm trọng trong lịch sử tố tụng” của nước ta, sẽ thấy rõ hơn những bất cập trong việc thụ lý và giải quyết nhiều vụ án hiện nay. Đó là vụ án cướp giật, hiếp dâm xảy ra năm 2000 tại huyện Hoài Đức, Hà Tây (cũ) vừa được Viện KSTC có Quyết định kháng nghị.

Bản án sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Đình Kiên (tức Lợi), 16 năm tù; Nguyễn Đình Tình và Nguyễn Đình Kiên, bị phạt 14 và 11 năm tù, với tội danh cướp tài sản và hiếp dâm. Năm 2002, Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Sau hơn 9 năm các bị cáo thụ án, Kháng nghị của Viện kiểm sát tối cao lại cho rằng, hồ sơ vụ án thể hiện rất nhiều mâu thuẫn.

Để tìm hiểu thêm, nhóm phóng viên đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Bình, khi đó là Phó trưởng Công an xã Dương Nội, người có mặt tại hiện trường ngay khi vừa nhận được trình báo của bị hại và tiếp nhận tang vật vụ án.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch HĐND phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) nhớ lại: “Khi đó chưa có đường bê tông, nhưng tôi vẫn nhớ vì ba chiếc cây này vẫn còn, hiện trường vụ án xảy ra ở đây và thuộc đất của xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, tôi không được mời tham gia khám nghiệm hiện trường…”.

Tại biên bản, cơ quan điều tra lại xác định hiện trường ở xã Yên Nghĩa cách đó gần nửa cây số và không dựng lại hiện trường, một thủ tục quan trọng để củng cố hồ sơ vụ án. Tại cơ quan điều tra và trước toà, các bị cáo đều khai nhận: Vào thời gian xảy ra vụ án, họ đang dự sinh nhật một người quen là chị Nguyễn Thị Doàn, cách nơi xảy ra vụ án gần ba cây số.

Chị Nguyễn Thị Doàn, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông: “Hôm đó là sinh nhật tôi, rất nhiều người đến dự, trong đó có cả Tình, Lợi và Kiên, các bạn đó còn tặng tôi một bó hoa, các bạn ngồi chơi với tôi đến khoảng hơn 23 giờ mới về và họ đi bộ chứ có xe đạp nào đâu”.

Những tình tiết này đã không được xem xét nghiêm túc tại cả 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm. Tình trạng vi phạm thủ tục tố tụng là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ án khiếu nại bức xúc kéo dài.

Theo báo cáo của Chánh án Tòa án NDTC tại phiên họp vừa qua của UBTV Quốc hội, hiện có tới gần 12 nghìn vụ cần được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Báo cáo cũng cho thấy, có nhiều vụ chứng cứ không rõ ràng, không đầy đủ nhưng vẫn được xét xử thiếu toàn diện, bỏ qua những tình tiết phát sinh nên dẫn tới Bản án tuyên chưa đúng người, đúng tội.

Ông Trương Hoà Bình, Chánh án Toà án NDTC: “Các cơ quan, tổ chức có liên quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc cung cấp chứng cứ, tài liệu cho tòa án khi có yêu cầu, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc cử người tham gia. Đối với cán bộ ngành tòa án, chất lượng xét xử chưa cao cũng thể hiện trình độ năng lực của thẩm phán còn là vấn đề đáng lo ngại”.

Trở lại vụ án diễn ra cách đây 10 năm tại xã Dương Nội, huyện Hoài Đức. Theo Quyết định kháng nghị thì lời khai của các bị cáo có nhiều mâu thuẫn với người bị hại. Hung khí trong vụ án không thu được, vật chứng quan trọng do đối tượng để lại không còn, nhiều chứng cứ gỡ tội bị bỏ qua, công tác điều tra có nhiều vi phạm Bộ Luật tố tụng hình sự. Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm là không có căn cứ… Trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Toà án NDTC cũng đã đề cập đến giải pháp khắc phục tình trạng này.

Ông Trương Hoà Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao: “Có sự chủ quan của thẩm phán hay không để việc xét xử chất lượng kém thì cũng không loại trừ. Để khắc phục vấn đề này làm thế nào đảm bảo các trình tự tố tụng để khắc phục từ cái sai của sơ thẩm, thì phúc thẩm khắc phục cho tốt, nếu sơ thẩm, phúc thẩm đều sai thì công tác giám đốc thẩm, tái thẩm phải tốt để khắc phục, đồng thời nâng cao kỷ luật công vụ, kỷ luật của nghành và xử lý nghiêm các vi phạm”.

Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2010, nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nên Tòa án các cấp đang gặp khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Gần 10 năm ngồi tù - đó là quãng thời gian mà những bị oan và người thân của họ phải chịu bao nỗi đau, những tổn hại rất lớn về tinh thần. Bị bắt giam và ngồi tù khi mới 18, 19 tuổi, với bao hoài bão về tương lai, giờ đây họ đã xấp xỉ tuổi 30, không công ăn việc làm ổn định.

Điều quan trọng nhất là giờ đây họ đã được minh oan. Việc tiến hành bồi thường theo Luật định cũng là cần thiết, nhưng dù mức bồi thường thế nào cũng khó có thể bù đắp nổi những thiệt thòi, những tổn thương mà họ đã phải gánh chịu trong suốt gần 10 năm qua.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước