Giải pháp nào nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam?

Tấn Hưng-Thứ bảy, ngày 17/10/2009 10:58 GMT+7

Lượng gạo xuất khẩu mỗi năm một tăng nhưng giá trị thu về lại không tương xứng - đó là thực tế đáng buồn của gạo Việt Nam. Tại sao vậy? và vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?

Từ nhiều năm nay, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Thái Lan. Có một thực tế là chúng ta xuất khẩu mỗi năm một tăng và dự kiến năm 2009 này sẽ đạt mức kỉ lục 6 triệu tấn. Tuy nhiên, khi nhìn lại về giá trị thì hạt gạo Việt Nam lại thuộc hàng thấp trong các nước xuất khẩu. Nhiều người cho rằng: đã đến lúc cần tính toán lại, nhằm nâng cao giá trị mặt hàng vốn được xem là lợi thế của chúng ta.
Số liệu mới đây của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán 500 USD/tấn, Pakistan chào bán 415 USD/tấn trong khi Việt Nam chỉ có thể chào bán 400 USD/tấn. Tương tự, gạo 25% tấm của Việt Nam cũng thấp hơn khoảng 70 USD/tấn so với Thái Lan.
Tình trạng trên đã kéo dài từ nhiều năm nay, qua đó cho thấy mặc dù chúng ta luôn duy trì vị trí thứ 2 về số lượng gạo xuất khẩu trên thế giới nhưng mức lợi nhuận thực mang về lại chưa tương xứng. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, gạo Việt Nam vẫn được bán ra thế giới, nhưng không phải ai cũng biết về chất lượng, về tên gọi của gạo Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: "Việt Nam xuất khẩu không có thương hiệu, gạo Việt Nam 5% tấm cũng không có thương hiệu nên không được giá tốt bằng Thái Lan. Thêm vào đó, Việt Nam không có thị trường ổn định, chúng ta muốn bán gạo có giá phải có mối mang, bạn hàng".
Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định: "Thật ra, gạo Việt Nam không bằng gạo Thái Lan, cả về hạt gạo, chất lượng chúng ta không thể bì được. Ở Thái Lan người ta trồng ít giống hơn mình, mình thì quá nhiều giống. Mình thu mua vào không có phân loại, chỉ đổ chung nên chất lượng không đồng đều".
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng do chú trọng vào tăng năng suất hơn là chất lượng nên suốt một thời gian dài, gạo Việt Nam chủ yếu được sản xuất từ những giống phẩm chất thấp.
Ngoài ra, việc hình thành những vùng chuyên canh lúa xuất khẩu vẫn còn khó khăn do tỉ lệ đất của mỗi nông hộ khá thấp. Như tại ĐBSCL, bình quân một hộ trồng lúa chỉ có 1,3 hecta. Trong đó có đến 30,6% hộ có diện tích từ 0,2 - 0,5 hecta và 7,7% hộ có diện tích dưới 0,2 hecta.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng: "Chúng ta nên xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, muốn vậy phải có vùng chuyên canh, kĩ thuật canh tác tốt. Mỗi vùng khoảng 10.000 hecta chẳng hạn, cùng làm 1 giống, có như vậy mới đảm bảo độ thuần".
Nếu như Thái Lan có gạo Kaođắcmali thì ở Việt Nam cũng có các giống chất lượng cao như Tám Xoan, Nàng Thơm Chợ Đào, Nàng Nhen… Vấn đề còn lại chính là qui hoạch vùng nguyên liệu, chọn bộ giống phù hợp, xây dựng thương hiệu và gia tăng năng suất thông qua các tiến bộ kĩ thuật.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2009, tỉ lệ gạo cao cấp chiếm hơn 38% khối lượng xuất khẩu. Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng cao của các nước là rất lớn. Đây được xem là cơ hội để cải thiện giá trị hạt gạo Việt Nam sau gần 20 năm xuất khẩu mặt hàng này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước