Giải pháp xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 30/12/2016 21:38 GMT+7

VTV.vn - Bộ Công Thương khẳng định sẽ xử lý dứt điểm 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ trong năm 2017.

Liên quan tới 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ, hiện đang thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương, ngày 30/12, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đưa ra lời khẳng định là sẽ xử lý dứt điểm trong năm 2017.

Cụ thể những phương hướng và cách thức xử lý đối với các dự án này của Bộ ra sao, nhóm phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Những dự án nghìn tỷ thua lỗ lớn

1. Theo phê duyệt, Dự án mở rộng nhà Đạm Hà Bắc dùng công nghệ châu Âu. Tuy nhiên, sau 2 năm đi vào vận hành, đạm Hà Bắc đã thua lỗ hơn 1.500 tỷ đồng do máy móc công nghệ không đạt yêu cầu như thiết kế. Sản phẩm vì thế cũng không thể cạnh tranh.

2. Dự án xơ sợi Đình Vũ: được đầu tư 7.000 tỷ đồng. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy liên tục "đắp chiếu", không bán được hàng. Lỗ hơn 1.700 tỷ đồng, đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều dữ liệu tính toán "phi thực tế" khiến phát sinh khoản chênh lệch đầu tư rất lớn trong thực tế.

3. Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng, sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.

4. Dự án Gang thép Thái Nguyên có số vốn đầu tư ban đầu là 3.800 tỷ đồng, sau hai lần dang dở, kéo dài thời gian triển khai thực hiện nên đã đội vốn thành hơn 8.000 tỷ đồng và 10 năm đã qua nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Hàng nghìn tỷ đồng thiết bị đang ngày một hoen gỉ và hoang tàn.

5. Dự án Đạm Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng sau nhiều năm vận hành vẫn chưa thể hoàn thiện vì còn vướng mắc với nhà thầu Trung Quốc. Ước tính dự án này đã lỗ hơn 2.700 tỷ đồng. Để cứu dự án, Tập đoàn Hóa Chất đã phải cầu cứu lên Chính phủ.

6. Có tổng vốn đầu tư ban đầu 1.900 tỷ đồng song đến nay nhà máy Bio Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) đã phải tạm dừng hoạt động sau 4 năm đưa vào vận hành do kinh doanh thua lỗ, sản xuất cầm chừng, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn đọng lớn.

Ngoài ra, ngành Công Thương hiện còn hàng loạt dự án có quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng khác cũng đang chịu cảnh hoạt động kém hiệu quả, nhiều dự án chưa thể thống kê con số thua lỗ như: đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước