Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Quỳnh Anh-Chủ nhật, ngày 19/09/2010 19:00 GMT+7

Bắt đầu từ năm học 2010-2011 Bộ GD & ĐT chủ trương đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa trong các nhà trường phổ thông, từ bậc tiểu học đến THPT.

Đây là một chủ trương cần thiết và đúng đắn, đáp ứng được nguyện vọng của các phụ huynh. Tuy nhiên, giáo dục kỹ năng sống để đạt hiệu quả đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không phải chỉ từ các bài giảng.
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là nội dung được đông đảo phụ huynh và dư luận quan tâm, bởi đây là một chương trình giáo dục hết sức cần thiết đối với học sinh. Giáo dục kỹ năng sống giúp cho học sinh có thể ứng phó với những thay đổi của xã hội gồm: kỹ năng tự nhận thức bản thân, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng suy nghĩ có phán đoán. Để làm được điều này, trước hết phương pháp giảng dạy phải là giáo dục chủ động.
Ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho biết: “Nếu chúng ta làm tốt vấn đề này thì sẽ đổi mới phương pháp giảng dạy. Chỉ có thông qua đổi mới phương pháp giảng dạy tổ chức sinh hoạt nhóm, tổ chức học sinh tự lĩnh hội kiến thức thì kỹ năng sống mới có tác dụng, nếu áp đặt kiến thức cho học sinh thì không thể”.
Để giảng dạy bộ môn này cũng không hề dễ dàng chút nào. Nếu lồng ghép vào các môn học theo như chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục Đào tạo, với thời lượng bị giới hạn, người thầy chỉ có thể giảng dạy nặng về lý thuyết . Trong khi đó, môn học này đòi hỏi học sinh phải tham gia với vai trò chủ động.
Bà Trịnh Thị Phương Hiền, Chuyên gia Tư vấn chuyên môn trường TH - THCS Sky Line, Đà Nẵng nói: “Trên cơ sỏ chương trình khung của Bộ, chúng tôi đưa vào những kỹ năng đó để có những tình huống riêng nhằm tăng cường phần thực hành cho các cháu, nâng cao nhận thức cho các cháu”.
Chương trình giáo dục kỹ năng sống hiện nay chỉ qui định cho các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông. Song trong thực tế, lứa tuổi mầm non lại là thời điểm bắt đầu hình thành nhân cách. Đây là giờ học giúp các cháu biết phụ giúp mẹ trong việc bếp núc. Tuy còn rất vụng về nhưng rõ ràng, các cháu đã có thể tự mình làm được một việc đơn giản.
Cô giáo Phạm Thu Hằng, Hiệu trưởng trường Mầm non Việt Nhật, TP Đà Nẵng cho biết: “Ngoài phương pháp của Phòng và Sở đề ra, chúng tôi chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho bé vì ở lứa tuổi này, giáo dục kỹ năng sống rất quan trọng, bé dễ thích nghi. Càng cho bé trải nghiệm nhiều, bé càng có kinh nghiệm trong cuộc sống hơn”.
Giáo dục kỹ năng sống đòi hỏi tính chủ động của học sinh. Vì vậy, nếu chỉ đưa vào chương trình lồng ghép với các môn học liệu có hiệu quả? nhất là khi giáo viên chỉ mới làm quen với các tài liệu hướng dẫn từ đầu năm học này. Giáo dục kỹ năng sống chỉ thật sự có hiệu quả khi người thầy có tâm huyết, sự kiên nhẫn và đặc biệt là phải có thời gian.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước