"Giấy phép con là nguồn dễ gây tham nhũng"

Minh Hường-Thứ bảy, ngày 22/10/2011 08:00 GMT+7

Đó là đánh giá của ông James S.Turley, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành công ty Ernst & Young toàn cầu.

Tăng trưởng của VN chậm nhưng vẫn khá so với toàn thế giới. (Ảnh: Internet)

Chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ dựa vào xuất khẩu sang dựa vào thị trường nội địa là nhiệm vụ trọng tâm của các nước mới nổi trong giai đoạn kinh tế toàn cầu suy thoái. Phóng viên Bản tin Tài chính Kinh doanh đã có cuộc phỏng vấn ông James S.Turley để được chia sẻ góc nhìn của một chuyên gia tư vấn doanh nghiệp quốc tế nhiều năm kinh nghiệm về tình hình kinh tế toàn cầu lúc này và cáctác động đến Việt Nam.
Các nền kinh tế phát triển dẫn đầu như Mỹ và châu Âu tăng trưởng thấp một thời gian dài và đang đối mặt với rủi ro suy thoái kép. Trong bối cảnh đó, ông nhìn nhận như thế nào về vị trí và trách nhiệm của các nước mới nổi trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế toàn cầu?
Ông James S.Turley: Vai trò của các nước phát triển là cực kỳ quan trọng với tăng trưởng toàn cầu và đây là bộ phận không thể thiếu của cả thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là trong bối cảnh tình hình kinh tế bên ngoài u ám, việc thúc đẩy tăng trưởng của các nước mới nổi sẽ không thể phụ thuộc vào nhu cầu từ bên ngoài nữa. Tôi nghĩ sẽ có sự chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào nhu cầu nội địa. Mọi người đều biết sự chuyển đổi này sẽ đến. Nhưng nó đến bất ngờ và nhanh hơn dự báo.
Ông đã đến nhiều nước, và trải nghiệm qua cuộc khủng hoảng 2008 và cả cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông có thể so sánh hai cuộc khủng hoảng này về mức độ nghiêm trọng?
Ông James S.Turley: Tôi nghĩ, cuộc khủng hoảng 2008 mang tính toàn cầu, còn cuộc khủng hoảng hiện nay mang tính địa phương hơn. Tại châu Âu, 3 vấn đề: Nợ công, tăng trưởng và các vấn đề xã hội là một tam giác phức tạp. Còn Mỹ, tôi nghĩ sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề tăng trưởng chậm và thất nghiệp của mình. Tình hình tại các nước mới nổi thì vẫn tốt, họ đang cố gắng chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang tăng trưởng dựa vào cả xuất khẩu và nhu cầu nội địa. Tôi cho là tất cả những điều này chưa hẳn là khủng hoảng, mà là các thách thức nhiều hơn. Tôi vẫn nghĩ là tình hình khu vực euro sẽ có giải pháp nhưng điều đó sẽ không dễ dàng.
Trong bối cảnh kinh tế các nước phát triển suy thoái, các nước mới nổi như Việt Nam đối mặt với rủi ro xuất khẩu và đầu tư trực tiếp suy giảm. Theo ông, Chính phủ Việt Nam nên có thay đổi gì trong chính sách để vẫn đảm bảo được sự ổn định và tăng trưởng?
Ông James S.Turley: Chính phủ Việt Nam cần nhìn ra và họ đã nhìn ra là, để hấp dẫn các dòng vốn trên thị trường quốc tế, họ cần thực hiện các chính sách để đưa nền kinh tế đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, cần có một hệ thống thuế mạnh, hệ thống cung cấp vốn cho nền kinh tế ổn định, hệ thống pháp luật được thực thi nghiêm túc.
Ngoài ra, sự liên tục cải cách quy trình quản lý Nhà nước cũng rất quan trọng. Vì ở các nước mới nổi, tôi không nói riêng Việt Nam, để một công ty đầu tư hay xây một nhà máy, có khi có đến hàng nghìn giấy phép con, đây là nguồn dễ gây ra tham nhũng. Việt Nam càng cải thiện được các yếu tố trên, sẽ càng giúp nền kinh tế hấp dẫn hơn trong mắt các công ty nước ngoài mong muốn tìm thị trường đầu tư.
Việt Nam có thể chuẩn bị gì cho các cú sốc bất ngờ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro lây lan trong nền kinh tế toàn cầu?
Ông James S.Turley: Một điều quan trọng là chúng ta phải phối hợp rất chặt chẽ với nhau, nhưng cũng phải phản ứng hết sức mau lẹ vì thị trường hiện nay biến động mạnh và nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào. Nên ở góc độ một công ty hay một quốc gia, đều cần liên kết với nhau và đưa ra các quyết định khôn ngoan. Việt Nam đã làm tốt trong khủng hoảng. Tăng trưởng năm nay chậm hơn năm ngoái, nhưng vẫn khá so với toàn thế giới. Nên hiện vẫn có nhiều điểm tích cực.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước