Hà Nội chưa thể cấm xe máy trong nội đô từ năm 2025

Minh Đức-Thứ tư, ngày 14/09/2016 14:52 GMT+7

VTV.vn - Một trong những nguyên nhân Hà Nội chưa thể cấm xe máy sau 10 năm nữa là bởi phương tiện giao thông công cộng lúc đó chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Theo số liệu Phòng cảnh sát giao thông (CA TP.HN) vào cuối năm 2015, trong tám tháng đầu năm 2015, Hà Nội có 183.000 phương tiện đăng ký mới với hơn 39.000 ô tô và 143.000 xe gắn máy, như vậy số lượng phương tiện đang hoạt động tại Hà Nội là khoảng 5,5 triệu phương tiện, chưa kể các xe mang biển ngoại tỉnh đang lưu thông trên địa bàn thành phố. Số lượng xe ô tô, xe gắn máy vẫn đang có xu hướng tăng theo từng năm. Theo ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nếu không có giải pháp kịp thời, trong khoảng 4 đến 5 năm tới, tình hình giao thông tại Hà Nội sẽ rất phức tạp, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu xe ô tô và 7 triệu xe máy.

Tại hội nghị Đảng bộ Hà Nội cuối tháng 6/2016, lãnh đạo TP đã công bố đang xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân với lộ trình cụ thể, theo đó sẽ hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị. Ngoài ra, phát triển phương tiện vận tải công cộng bổ sung tương ứng với số phương tiện cá nhân bị cấm. Nếu diễn ra đúng lộ trình, Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô vào năm 2025.

Hà Nội chưa thể cấm xe máy trong nội đô từ năm 2025 - Ảnh 1.

Theo dự kiến, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu xe ô tô và 7 triệu xe máy

Tuy nhiên, việc hạn chế xe cá nhân sau 10 năm nữa đã được nhận định rằng rất khó thực hiện. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết: "Mặc dù Hà Nội rất quyết tâm hạn chế xe máy cá nhân, nhưng qua ý kiến của một số nhà phân tích đã thấy rằng thời điểm năm 2015 vẫn chưa thể cấm được xe máy. Một trong những lý do là bởi phương tiện vận tải công cộng lúc đó chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân". Để hạn chế xe cá nhân, chỉ có cách duy nhất là phát triển hạ tầng trục giao thông, tăng cường năng lực xe công cộng nhưng điều này không thể làm kịp vào năm 2025.

Trong đề án đặt mục tiêu cho vận tải hành khách công cộng có nêu vào năm 2020 đáp ứng 25%, năm 2020 đáp ứng 32%. Như vậy để thay thế cho phương tiện giao thông cá nhân trước hết phương tiện giao thông công cộng phải được phát triển lên, nâng cao chất lượng phục vụ. Nhưng hiện tại phương tiện vận tải công cộng mới chỉ đạt dưới 10%, các dự án vận tải công cộng đang chậm tiến độ. Đơn cử như phương án triển khai xe bus nhanh BRT vẫn đang bị hoãn hoạt động vì điều kiện vận hành chưa đủ.

Trong 9 năm tới, Hà Nội chưa thể đạt được mục tiêu cung cấp toàn bộ phương tiện công cộng cho người dân vì thời gian quá gấp gáp và kinh phí cũng không hề nhỏ. Hiện nay, biện pháp tổ chức giao thông được lãnh đạo Hà Nội đưa ra là tiếp tục đầu tư hạ tầng, tổ chức phân luồn giao thông, quy hoạch các điểm đỗ xe để giảm ùn tắc.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước