Hà Nội có 47 người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV

Theo VOV-Thứ ba, ngày 15/03/2016 18:59 GMT+7

VTV.vn - Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội nhận được 87 hồ sơ ứng cử ĐBQH, trong đó có 40 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử, 47 người tự ứng cử.

Sáng nay (15/3), Đoàn kiểm tra giám sát Hội đồng bầu cử Quốc gia do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng bầu cử Quốc gia làm trưởng đoàn đã làm việc với thành phố Hà Nội về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp 2016-2021.

Ủy ban bầu cử Hà Nội nhận được 87 hồ sơ ứng cử ĐBQH

Theo báo cáo do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bích Ngọc trình bày cho thấy, đến ngày 2/3, Ủy ban bầu cử các cấp đã ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số lượng đại biểu HĐND được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp mình theo luật định. Theo đó HĐND TP được bầu 105 đại biểu, có 30 đơn vị bầu cử. Với số lượng ĐBQH, TP được bầu 30 đại biểu, có 10 đơn vị bầu cử.

Đến thời điểm hiện nay, Tiểu ban giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Ủy ban bầu cử nhận được 2 đơn tố cáo của công dân đối với cán bộ chủ chốt cấp huyện, đã chỉ đạo xử lý theo quy định.

Cũng theo báo cáo, đến 17h ngày 13/3, Ủy ban bầu cử thành phố nhận được 87 hồ sơ ứng cử ĐBQH, trong đó có 40 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử, 47 người tự ứng cử. Có 205 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP, trong đó có 196 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử, 9 người tự ứng cử.

Đối với 40 người được các cơ quan, tổ chức đơn vị giới thiệu ứng cử ĐBQH, có 17 người là nữ (42,5%), 3 người ngoài Đảng (7,5%), 3 người dưới 35 tuổi (7,5%), 2 người là dân tộc thiểu số (5%), 1 người là thành viên Ban đối ngoại Hội thánh Tin lành (2,5%), 6 người là ĐBQH khóa trước (15%), 7 người đã tham gia đại biểu HĐND TP (17,5%), 2 người đã tham gia đại biểu HĐND cấp huyện (5%), 3 người tham gia đại biểu HĐND cấp xã (7,5%).

Đối với 196 người do các cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TP, có 79 người là nữ (40,3%), 31 người ngoài Đảng (15,8%), 33 người dưới 35 tuổi (16,8%), 3 người là dân tộc thiểu số (1,53%), 4 người theo các tôn giáo (2,04%), 8 người là ĐBQH các khóa (4,08%), 35 người là đại biểu HĐND TP (17,98%).

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bích Ngọc cho biết: Những công việc chính thời gian tới từ ngày 14 đến 17/4, tiếp tục thực hiện các bước công việc theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia. Ủy ban bầu cử TP chuyển hồ sơ của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử ĐBQH tại địa phương đến Hội đồng bầu cử Quốc gia, chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử ĐBQH đến Ban thường trực UBMT Tổ quốc TP để đưa vào danh sách hiệp thương.

Bên cạnh đó, Ủy ban bầu cử TP cũng đề nghị sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, Hội đồng bầu cử quốc gia sớm gửi danh sách và hồ sơ những người được Trung ương giới thiệu về ứng cử ĐBQH tại TP Hà Nội, để lập danh sách những người ứng cử tại từng đơn vị bầu cử QH kịp thời.

Hà Nội triển khai thực hiện công tác bầu cử đúng quy định

Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban bầu cử TP cũng như một số đơn vị của thành phố, đại diện Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia lưu ý, Hà Nội cần đảm bảo quyền bầu cử của cử tri theo đúng luật. Trong đó đặc biệt chú ý đến một số đối tượng trước đây không có quyền bầu cử như người bị tạm giam, tạm giữ thì luật mới là họ có quyền. Vị đại diện này cũng nhận định, bắt đầu từ đây có thể công tác khiếu nại tố cáo sẽ rất nhiều, Hà Nội cần nâng cao trách nhiệm để giải quyết tốt việc này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh và đánh giá cao TP Hà Nội đã triển khai thực hiện công tác bầu cử đúng quy định, xử lý kịp thời những vướng mắc trong công tác bầu cử, phát huy tinh thần dân chủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: Thành phố cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền về bầu cử và đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối để ngày 22/5 thực sự là ngày hội của toàn dân, đảm bảo quyền của cử tri.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đảm bảo số lượng và chất lượng, cơ cấu đại biểu đã nêu. Về nội dung và hình thức, đây là ngày hội của toàn dân chứ không phải hô hào loa yêu cầu đi bỏ phiếu, người dân nô nức đi bỏ phiếu thì cuộc bầu cử mới thành công. An ninh an toàn tuyệt đối, đặc biệt ở Thủ đô - trái tim của cả nước chúng ta.

Phó Thủ tướng yêu cầu TP thường xuyên theo dõi, khẩn trương xử lý các vướng mắc phát sinh, kịp thời giải đáp các khúc mắc của các cấp huyện, xã, phường. Vấn đề gì không giải đáp được các đồng chí kịp thời hỏi Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban TVQH và Chính phủ, trực tiếp là Bộ Nội vụ. TP cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền về bầu cử, thực sự là ngày hội toàn dân với các đối tượng khác nhau. Lái xe khác, sinh viên 18 tuổi khác, công nhân lao động trực ca kíp khác.

Phó Thủ tướng yêu cầu Sở TT&TT nên lưu ý các đối tượng tuyên truyền. Tập trung làm tốt công tác tiếp dân, xử lý khiếu nại tố cáo, không để khiếu kiện đông người kéo đến các cơ quan TƯ. UBND TP phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan, xử lý kịp thời, không để điểm nóng phát sinh.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước