Hà Nội - Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm

Trung Khánh-Thứ hai, ngày 10/10/2016 00:00 GMT+7

Hồ Gươm, Hà Nội

VTV.vn - Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”.

"Không phải ở sự hoành tráng của các công trình, di tích mới khiến người ta nhớ về Hà Nội, mà là ở chiều sâu các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và tính biểu trưng của nó. Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm", PGS.TS Vũ Văn Quân đã mở đầu câu chuyện như thế khi bàn về Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến của nước Việt Nam.

PGS.TS Vũ Văn Quân là người tham gia thực hiện cuốn "Thăng Long - Hà Nội thư mục công trình nghiên cứu" - bức tranh tổng thể về ngành Hà Nội học xưa nay. Ông hiện đang là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông cũng có nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội.

Là một trong những người tham gia nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, ông có thể cho biết hiện có khoảng bao nhiêu công trình nghiên cứu về đề tài này?

- Đến nay có bao nhiêu công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội thì tôi không rõ. Tuy nhiên, tính đến trước ngày Hà Nội được mở rộng (1/8/2008), tức là 8 năm trước, theo kết quả khảo sát được công bố trong cuốn sách "Thăng Long - Hà Nội thư mục công trình nghiên cứu" do tôi và các cộng sự thực hiện (Nhà xuất bản Hà Nội, 2010), chưa tính phần Hà Nội mở rộng, đã có 6.014 đầu mục nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội dưới dạng sách, các bài viết đăng trên các tạp chí và các kỷ yếu khoa học, các luận án Tiến sĩ. Trong đó, có 5.746 nghiên cứu bằng tiếng Việt và 268 nghiên cứu bằng tiếng nước ngoài.

Hà Nội - Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Văn Quân cho biết, cảm hứng về Hà Nội thu hút đông đảo các nhà khoa học, người yêu Hà Nội trong và ngoài nước tham gia.

Con số này đến nay chắc chắn đã tăng lên rất nhiều. Có lẽ không có địa phương nào trên toàn quốc có được sự quan tâm đến thế của giới nghiên cứu, cả trong và ngoài nước.

Đây quả thực là một con số không hề nhỏ đối với một thành phố, một Thủ đô. Theo ông, vì sao có nhiều công trình đến thế về Thăng Long - Hà Nội?

- Vì sao ư? Vì Hà Nội là kinh đô - Thủ đô của Việt Nam, gần như liên tục hơn 1.000 năm. Ngay cả khi không còn là kinh đô (dưới thời Nguyễn), Hà Nội vẫn là một trung tâm hàng đầu về kinh tế và văn hóa của cả nước. Với tư cách trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm kinh tế - văn hóa của đất nước, Thăng Long - Hà Nội thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là ở "trữ lượng" các giá trị lịch sử và văn hóa cực kỳ phong phú của Thăng Long - Hà Nội. Hiện nay Hà Nội đã mở rộng hơn, "ôm" cả vào mình một vùng văn hóa xứ Đoài đặc sắc nữa thì "trữ lượng" ấy tăng thêm rất nhiều.

Hà Nội - Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm - Ảnh 2.

Một góc Hà Nội ngày nay

Với bề dày lịch sử ngàn năm, Hà Nội đã trở thành hình ảnh của dân tộc Việt Nam, trải qua mọi thăng trầm, hào hùng và đau thương cùng đất nước. Vì thế, tình yêu của người Việt Nam với Thủ đô Hà Nội là có thật và một trong những cách thể hiện tình yêu đó là niềm say mê nghiên cứu về Hà Nội. Hà Nội phải giữ được hình ảnh này dù hiện đang đứng trước nhiều thách thức.

Được biết, có nhiều người vinh dự nhận được danh xưng "nhà Hà Nội học" với những nghiên cứu công phu, sâu sắc về Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi "nhà Hà Nội học" Nguyễn Vinh Phúc qua đời, sau đó đến GS Trần Quốc Vượng, một số "nhà Hà Nội học" khác đã luống tuổi, lực lượng kế cận có tiếp tục nghiên cứu về Hà Nội nhiều và sâu như thế?

- Đội ngũ những người có bài nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội rất hùng hậu. Theo thống kê, có tới 2.962 tác giả trong nước và nước ngoài có bài nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, trong đó 2.785 tác giả trong nước và 177 tác giả người nước ngoài, cũng tính đến năm 2008. Và chắc chắn, con số này sẽ còn nhiều hơn nữa.

Trong số các tác giả này, người thường được nhắc đến với danh hiệu cao quý "nhà Hà Nội học" là cụ Nguyễn Vinh Phúc. Thực tế thì còn nhiều tên tuổi khác nữa. Nhưng nhiều người trong số đó nay cũng đã khuất núi, trong đó cái tên được nhắc nhiều là cố Giáo sư Trần Quốc Vượng. Theo tôi biết, thành phố Hà Nội vừa quyết định đặt tên Trần Quốc Vượng cho một con phố khá dài (ở quận Cầu Giấy - PV), bởi những cống hiến đặc biệt xuất sắc của ông trong nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Nghiên cứu về Hà Nội hiện nay được mở rộng hơn trên mọi lĩnh vực, không chỉ là lịch sử - văn hóa, mà bao gồm cả tự nhiên - môi trường, quản lý và phát triển đô thị…, thu hút đông đảo các nhà khoa học, người yêu Hà Nội trong và ngoài nước tham gia.

Hà Nội - Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm - Ảnh 3.

Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội

Hà Nội học không còn chỉ là một vài gương mặt mà là cả một đội ngũ với tính chuyên môn ngày một sâu hơn. Hà Nội đang triển khai dự án biên soạn và xuất bản "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" giai đoạn II, sẽ tiếp tục là sự quy tụ đội ngũ các nhà nghiên cứu về Hà Nội, đồng thời qua đó đào tạo, phát triển thêm đội ngũ nghiên cứu về Hà Nội trong tương lai.

"Có nhiều người rất yêu Hà Nội, nghiên cứu nhiều, nghiên cứu sâu với nhiều thành tựu về Hà Nội như cụ Trần Huy Bá, Nguyễn Khắc Đạm, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, PGS Lê Văn Lan, GS Phan Huy Lê, các nhà nghiên cứu Giang Quân, Băng Sơn, Vũ Tuấn Sán, Hoàng Đạo Thúy… và đặc biệt là Giáo sư Trần Quốc Vượng" - PGS.TS Vũ Văn Quân cho biết.

Sau nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội, theo cá nhân ông, nhắc đến Hà Nội, người ta sẽ nhớ ngay tới những công trình, di tích lịch sử nào gắn liền với Thủ đô?

- Có nhiều công trình, di tích lịch sử gắn liền với Thủ đô Hà Nội mà người Việt Nam ai cũng biết đến. Mỗi thời kỳ lịch sử đất nước, lịch sử Thăng Long - Hà Nội đều có những công trình, di tích như thế.

Chùa Trấn Quốc được dựng đầu tiên từ thế kỷ VI thời Lý Nam Đế - Lý Bí dựng nước Vạn Xuân, nay là một thắng cảnh nổi tiếng của đất này.

Hà Nội - Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm - Ảnh 5.

Chùa Trần Quốc, Hà Nội

Chùa Một Cột có từ năm 1049, dựng lại sau năm 1954, rất nhỏ thôi nhưng vẫn là hình ảnh mà người ta không thể quên khi nhắc đến Hà Nội.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám khởi dựng từ năm 1070, đã trùng tu nhiều lần, trong đó có Khuê Văn Các dựng vào thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX, một kiến trúc nhỏ nhắn nhưng hài hòa, đạt đến sự sâu sắc của ý nghĩa biểu tượng và sự tinh tế.

Ngoài ra, nói về Hà Nội còn là cả một Hồ Gươm lung linh gắn với truyền thuyết trả gươm của Lê Lợi, thể hiện khát vọng hòa bình của người Việt Nam…

Thời hiện đại, nhắc tới Hà Nội là nhiều người nghĩ đến Quảng trường Ba Đình, Khu di tích Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch... Và đặc biệt là Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu…

Hà Nội có nhiều "không gian thiêng", được tạo ra và chắt chiu qua biết bao thế hệ, bằng mồ hôi, nước mắt và bằng cả máu xương của người Hà Nội, của người Việt Nam, không phải ở độ "hoành tráng" của kiến trúc mà là bằng "hàm lượng" các giá trị tinh thần được kết tinh lại.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước