Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều điểm đen về môi trường cần khắc phục

Minh Đức-Thứ bảy, ngày 17/03/2018 17:37 GMT+7

VTV.vn - Tại Hà Nội vẫn còn 187 điểm đen ô nhiễm môi trường cần xử lý, mỗi ngày hàng chục nghìn hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong thải ra khoảng 2.000 tấn khí CO2.

Theo số liệu tổng kết của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2017, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra, thanh tra tại 2.161 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 588 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 16 tỷ đồng vì những hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng. Công an thành phố cũng tiến hành thanh, kiểm tra lập hồ sơ đề nghị các cấp ra quyết định xử phạt hành chính 176 vụ vi phạm.

Mặc dù các cấp chính quyền đã đẩy mạnh việc xử lý vi phạm trong năm 2017 nhưng ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Hà Nội vẫn còn 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm. Một số điểm đen vẫn tồn tại là lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch..., tất cả những điểm đen này đều đang được xem xét các giải pháp xử lý. 

Trong năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể, chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường tại các điểm đen, các khu vực bức xúc về môi trường trên địa bàn để xây dựng lộ trình, biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để tại các khu vực này.

Cũng theo ông Định, qua quá trình kiểm tra cho thấy số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn còn thấp. Xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, thực hiện không đúng các nội dung trong hồ sơ pháp lý về môi trường.

Trong việc xử lý ô nhiễm, tạo cảnh quan các ao, hồ, sông, suối bị ô nhiễm, Hà Nội đã thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C với 86 hồ khu vực nội thành, 44 hồ khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thuỷ sinh trên 49 hồ và máy sục khí trên 30 hồ, nạo vét bùn 6 hồ (Giáp Bát, Công viên Ngọc Lâm, cầu Tình, hồ Kim Liên lớn và nhỏ, hồ Trúc Bạch) để hỗ trợ công tác duy trì chất lượng hồ. TP cũng đã tiến hành nạo vét cải tạo Hồ Gươm và tiến hành khảo sát thường xuyên đánh giá kết quả sau khi triển khai.

Ngoài ra, Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, mỗi ngày tại Hà Nội có hàng chục nghìn hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong, thải ra khoảng 2.000 tấn khí CO2. Hà Nội dự kiến vận động người dân đến năm 2019 loại bỏ bếp than tổ ong thay thế bằng bếp cải tiến sử dụng nhiên liệu tự nhiên, nhiên liệu qua xử lý không gây ô nhiễm môi trường.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước