Hà Thị Cầu - Người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ

Hoàng Trang-Thứ ba, ngày 05/03/2013 16:00 GMT+7

Nghệ nhân Hà Thị Cầu trong một buổi biểu diễn (Ảnh: anninhthudo.vn)

Nghệ nhân Hà Thị Cầu là một trong số ít những “báu vật nhân văn sống” nắm giữ một di sản văn hóa phi vật thể quý báu, có lịch sử hàng trăm năm tồn tại của Việt Nam - nghệ thuật hát xẩm.

Qua đời ngày 3/3 vừa qua, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã để lại một khoảng trống lớn trong lòng những người yêu văn hóa dân gian. Bà không chỉ được biết tới như người cuối cùng có thể trình diễn, sáng tạo những bài xẩm đậm chất truyền thống mà còn là người thầy truyền dạy nhiều bài xẩm cho các thế hệ học trò.

Hình ảnh nghệ nhân Hà Thị Cầu như một biểu tượng của điệu xẩm đường phố mộc mạc, dân dã, đi vào lòng người. Cho tới nay, bà vẫn được xem là “người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20” với giọng hát, tiếng đàn chưa ai sánh được.

Có lẽ âm điệu của những bài hát xẩm sẽ chỉ còn là kỷ niệm, dẫu hình ảnh của “bu Cầu” vẫn hiện diện trong hai cây đàn nhị - vật giá trị nhất mà cả cuộc đời gắn bó với Xẩm, bà luôn nâng niu bên mình.

Nhiều người mê xẩm tìm đến bà để học hát, học đàn, nhưng sao đến giờ, vẫn chưa có ai hát xẩm mà day dứt, mộc mạc, ám ảnh người nghe như bà Cầu? Sẽ chẳng có ai dùng cây đàn nhị với dây đàn không được làm từ dây tơ, dây cước, mà được chế từ dây phanh xe đạp, nhưng tiếng đàn có thể réo rắt đến thế.

Nhạc sĩ Thao Giang, Phó giám đốc trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam chia sẻ: "Muốn hiểu về xẩm, chỉ cần nghe cụ Cầu hát 1 bài. Ở đó có đủ 4 yếu tố: âm nhạc, văn học, nhạc khí và nghệ thuật diễn xướng, 4 yếu tố này cụ đã thể hiện được tất cả diện mạo của xẩm".

Đạo diễn Lương Đình Dũng, một người say mê xẩm đã dành hơn 2 năm chỉ để quay bộ phim “Xẩm đỏ” – bộ phim khắc họa chân thực về cuộc đời ẩn sau tiếng hát nhiều thăng trầm của nghệ nhân. Sau bộ phim, cái đọng lại lớn nhất với anh, không phải là những bài xẩm cổ đã quá quen thuộc của bu Cầu, mà là cái tâm của người hát - cái tâm của một nghệ sĩ được sinh ra từ trong vất vả, cơ cực mà cả cuộc đời vẫn trong vắt, không vướng bận toan tính, một lòng dành để yêu xẩm.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết: "Khi cái tâm con người ta trong sáng thì sẽ lưu lại ở tiếng hát. Lúc ấy thì tiếng hát thanh thoát lắm, tốt đẹp lắm. Cụ có nói với tôi là tham làm gì hả con, người già chỉ tham nhất là để lại được cái gì cho con, cho cháu, mà ý nghĩa... Đó là điều mà tôi ấn tượng nhất khi làm phim về cụ".

Dẫu để lại nhiều nuối tiếc vì còn nhiều tinh hoa của xẩm chưa được trao truyền, nhưng ít nhất, vẫn còn đó một hồn xẩm đau đáu với nghề tổ để lớp trẻ soi vào. Tuy nhiên, không biết đến bao giờ, nghệ thuật hát xẩm Việt Nam mới lại có một giọng hát như thế, một tấm lòng như thế…

"Hát xẩm thì có bao giờ giàu, chả lấy đâu mà có, mà giàu. Ai có cố muốn học thì mình chịu khó, sống được ngày nào, năm nào, tháng nào, ai đến học thì mình chịu khó mà dạy cho người ta...", cố nghệ nhân Hà Thị Cầu đã dặn lại như vậy bằng cả tấm lòng.

Mời quý vị và các bạn theo dõi video phóng sự về nghệ nhân Hà Thị Cầu tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước