Hiểu thế nào cho đúng lý do thu phí âm nhạc tại khách sạn

Minh Đức-Thứ bảy, ngày 03/06/2017 06:00 GMT+7

VTV.vn - Hiện Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã yêu cầu VCPMV tạm dừng việc thu phí âm nhạc. Tuy nhiên, Cục vẫn khẳng định việc thu phí này là đúng luật.

Cuối tháng 5 vừa qua, dư luận xôn xao vụ việc nhiều khách sạn tại Đà Nẵng phản ứng khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMV) gửi công văn yêu cầu đóng phí âm nhạc trên tivi tại khách sạn, vì các chương trình âm nhạc được phát trên tivi nhằm vào mục đích kinh doanh, kiếm tiền. Hiện cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã yêu cầu VCPMV tạm dừng việc thu phí âm nhạc. Tuy nhiên, Cục vẫn khẳng định việc thu phí này là đúng luật nhưng cần phải có lộ trình cụ thể.

Theo ý kiến của luật sư, việc VCPMV đang làm là đang cố bảo đảm quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam nhưng vì cách thức, lộ trình chưa rõ ràng nên khiến nhiều người cảm giác đây là hành động tận thu. Thực tế, các khách sạn sử dụng tivi không phải để phục vụ nhu cầu giải trí của mình mà để phục vụ mục đích kinh doanh vậy nên việc trả phí là không sai. Theo luật, nếu Đài truyền hình mua quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng thì VCPMV sẽ không được phép thu phí, còn nếu Đài truyền hình chưa mua được quyền biểu diễn và quyền bán lại quyền biểu diễn này cho những người sử dụng dịch vụ của đài truyền hình thì VCPMV có quyền yêu cầu những ai sử dụng tivi thanh toán tiền cho quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng nhằm mục đích kinh doanh.

Nói về vấn đề VCPMV thu phí âm nhạc trên tivi khách sạn, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền cho biết: "VCPMV chỉ được phép thu khi biết được chắc chắn và chứng minh được rằng trong chương trình có tác phẩm nào thuộc sở hữu của VCPMV. Sau khi đã chắc chắn rồi thì phải đàm phán với khách hàng và đạt được được sự đồng thuận của bên khai thác sử dụng. Việc này phải làm rõ ràng, từng bước chứ không thể bỗng nhiên lại gửi một công văn về. Khi thực hiện đúng lộ trình thì phải báo cáo lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch theo đúng quy định".

Thực tế, việc VCPMV tiến hành thu phí tại các khách sạn cũng tương tự như việc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) tiến hành thu phí tại các cơ sở kinh doanh Karaoke. Tuy nhiên, RIAV mất rất nhiều thời gian và công sức trong việc tuyên truyền và giải thích việc thu phí tác quyền, nên các chủ cơ sở kinh doanh Karaoke không quá bất ngờ và phản ứng mạnh mẽ khi được yêu cầu đóng phí.

Nói về điều này, ông Nguyên Hùng cho biết, việc thu phí phải rõ ràng, minh bạch thì mới tạo được sự đồng thuận, không thể thu khoán rồi dẫn đến thu sai. "Nếu trong chương trình đang phát có những tác phẩm mà VCPMC đại diện thì VCPMC phải chứng minh được, như vậy mới nhận được khoản tiền phí tác quyền. Không nên để xảy ra trường hợp tác giả không phải hội viên VCPMC mà vẫn thu tiền được".

Nói về khoản phí 25.000 đồng, ông Nguyên Hùng cho biết, về mức thu phí bao nhiêu thì Cục Bản quyền không thể tham gia nhưng sẽ đề nghị VCPMC làm đúng quy trình, xây dựng biểu giá, phải đàm phán được với bên sử dụng tác phẩm của hội viên mình nhằm đạt được đồng thuận, nếu không đạt được đồng thuận thì có thể sẽ khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật". Ông Hùng cũng giải thích thêm, việc đàm phán giữa VCPMC và khách hàng là giao dịch nhân sự , bên có tài sản đưa ra mức phí để đàm phán với bên khai thác. Mặc dù VCPMC khẳng định đã đưa ra các biểu giá hợp lý với từng khu vực và quy mô nhưng ông Hùng vẫn cho rằng cần phải mềm mỏng hơn bởi có nhiều khu vực khác nhau, khó đồng thuận được mức giá chung.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước