Học sinh giỏi không mặn mà với ngành sư phạm

Quốc Minh-Thứ hai, ngày 11/03/2013 15:33 GMT+7

Học sinh có học lực giỏi ít đăng ký dự thi sư phạm (Ảnh minh họa)

 Những năm gần đây, học sinh có học lực giỏi rất ít chọn ngành sư phạm để dự thi. Trước thực trạng này, nhiều người lo ngại về chất lượng của đội ngũ giáo viên trong thời gian tới.

Thời gian gần đây, việc các thí sinh nhất là thí sinh có học lực giỏi, xuất sắc ít chọn các ngành sư phạm được dư luận quan tâm. Có ý kiến cho rằng, đó là do chính sách miễn giảm học phí đã không còn đủ hấp dẫn, do học sư phạm tương đối khó kiếm việc làm sau này. Và nếu tình trạng “chảy chất xám” khỏi ngành sư phạm kéo dài, trong tương lai sẽ khó có được những nhà giáo giỏi, tâm huyết với nghề. Điều này lại càng đáng lo ngại đối với ĐBSCL, bởi nơi đây có nhiều trường chỉ tiêu giáo dục đạt thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Nhưng cũng có luồng ý kiến ngược lại, vì nếu nhìn theo hướng khác không hẳn đó đã là một nguy cơ.

PGS. TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, tại vùng đồng bằng, các lãnh đạo đều đang xem trọng giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông. Vì vậy các địa phương đều chú ý việc tạo cơ sở tốt để các thầy cô giáo làm việc. Tôi thấy về mặt chính quyền, không có vấn đề gì cần phải lo. Còn nếu như thiếu nguồn nhân lực, phải có chính sách để đời sống người giáo viên tốt hơn, mọi người sẽ chuyển sang ngành đó thôi”.

Ông La Công Tâm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, cũng cho biết: “Trước đây, trường ĐH An Giang và các trường khác trong khu vực, số lượng sinh viên sư phạm nhiều là do chưa tính toán kỹ chỉ tiêu đào tạo hàng năm. Sau này, riêng ĐH An Giang, Sở GD&ĐT tỉnh sẽ có tính toán kỹ nhu cầu cần thiết cho mỗi năm để tuyển sinh”.

Tình trạng “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã tồn tại từ nhiều năm qua. Và một trong những nguyên nhân chính là hiện nay chế độ đãi ngộ của ngành sư phạm không còn đủ sức hấp dẫn đối với các thí sinh. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành giáo dục, có ý kiến cho rằng, ngoài việc miễn học phí cũng cần chú trọng về chính sách. Tức là người giáo viên ra trường phải sống được với nghề mà mình đã chọn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước