Hội nghị cấp cao ASEAN - "Điểm nóng" báo chí tuần qua

Anh Phương - Quang Anh (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 11/09/2016 10:10 GMT+7

VTV.vn - Hội nghị cấp cao ASEAN với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các cường quốc trên thế giới là sự kiện chính trị thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí tuần qua.

Một sự kiện ngoại giao khác được cả khu vực và thế giới quan tâm trong tuần này là Hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức tại Lào. Báo chí quan tâm không chỉ là vì đây là sự kiện có mặt của nhiều lãnh đạo các cường quốc trên thế giới mà còn để xem các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc sẽ đưa quan điểm về vấn đề Biển Đông như thế nào, nhất là sau khi Toà trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Báo Tuổi trẻ cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị đã khẳng định mỗi nước thành viên đều có lợi ích và trách nhiệm trong việc tăng cường đoàn kết và thống nhất trong ASEAN, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của ASEAN. 

Hội nghị cấp cao ASEAN - Điểm nóng báo chí tuần qua - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị (Ảnh: Reuter)

 Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng nhận định: Chúng ta có những lập trường khác nhau nhưng đừng để những sự khác biệt này chia rẽ chúng ta. Nếu các quốc gia thành viên ASEAN bị chia rẽ, chúng ta sẽ đánh mất sự liên hệ và giá trị của chúng ta đối với những đối tác của chúng ta.

Tờ Quân đội nhân dân cho biết tại các cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bên tăng cường hợp tác, phát huy các tiềm năng và cam kết chính trị, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Hội nghị cấp cao ASEAN - Điểm nóng báo chí tuần qua - Ảnh 2.

Cờ các nước ASEAN và các nước đối tác bên ngoài Hội nghị (Ảnh: Reuter)

 Báo Thanh niên cho biết đặc biệt tại cuộc họp ASEAN Trung Quốc, tuyên bố chung đã đề cập tới vấn đề biển Đông, đó là tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên vùng Biển Đông vốn được quy định bởi các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong tuyên bố chung cũng nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng vụ lực hoặc sử dụng vũ lực, mà bằng tham vấn và thương lượng hữu nghị.

Tuyên bố chung của ASEAN và Trung Quốc cũng nhất trí áp dụng Bộ quy tắc ứng xử với các tình huống không mong muốn trên biển ở biển Đông, nhằm giảm thiểu nguy cơ va chạm và ngăn chặn leo thang khi va chạm xảy ra giữa phương tiện hải quân của các nước tham gia. Cùng với đó, các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc cũng đã thông qua bản hướng dẫn về đường dây liên lạc nóng giữa quan chức cấp cao thuộc Bộ ngoại giao trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp trên biển.

Hội nghị cấp cao ASEAN - Điểm nóng báo chí tuần qua - Ảnh 3.

 Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh trích dẫn trả lời phỏng vấn của Phó Giáo sư Simon Tay – Chủ tịch viện Các vấn đề Quốc tế Singapore cho biết: Đây là tín hiệu tích cực và các biện pháp cụ thể đã đề ra, và Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm tới việc ngăn chặn leo thang do sự cố và hiểu nhầm.

Dù có thể chưa thỏa mãn đối với những kỳ vọng đặt ra, tuy nhiên những động thái tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc cũng đã cho thấy ASEAN và Trung Quốc có thể giải quyết các khác biệt, và quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN có thể vượt lên trên những bất đồng.

Trong hơn 2 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự 35 hội nghị và tiếp xúc song phương, trong đó có 11 Hội nghị Cấp cao ASEAN. Tại các hội nghị này, các bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vào việc tạo dựng và tăng cường lòng tin giữa các quốc gia, đề cao việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và tôn trọng luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC và hướng tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông COC, với dấu mốc được các nhà lãnh đạo đặt ra là vào giữa năm 2017.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước