Hôm nay, Nghị định kê khai tài sản có hiệu lực

Thái Thanh-Thứ sáu, ngày 30/09/2011 11:30 GMT+7

Hôm ngay (30/9), Nghị định 68 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37 ban hành năm 2005 về minh bạch tài sản, thu nhập chính thức có hiệu lực.

Việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được xem là một trong những công cụ hữu hiệu để thực hiện việc phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế mang lại hiệu quả ra sao vẫn là một thách thức đối với cả cơ quan soạn thảo, cũng như các cơ quan có trách nhiệm thi hành Nghị định 68 này.

Thanh tra Chính phủ cho biết, Nghị định 68 chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, chứ không thay thế Nghị định 37. Các điểm mới của Nghị định 68 bao gồm làm rõ các khái niệm thế nào là kê khai lần đầu, thế nào là kê khai bổ sung, ràng buộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, kiểm soát, báo cáo kê khai.
Nghị định cũng đưa ra một số nguyên tắc lớn trong kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu, người kê khai phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác, khách quan của nội dung đã kê khai.
Bên cạnh đó, Nghị định 68 cũng đã đưa ra các quy định về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
Theo ông Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: “Công khai bản kê khai này là công khai đến đâu, công khai trong phạm vi nào thì trong Nghị định 68 đã quy định cụ thể. Ví dụ, công bố trong cuộc họp hoặc là niêm yết bản kê khai đó tại trụ sở cơ quan nơi người kê khai đó làm việc. Đối với đại biểu QH, đại biểu HĐND thì phải công khai bản kê khai đó tại kỳ họp hay tại nơi cư trú. Thì trong cái đó quy định rõ thời gian công khai, địa điểm phải công khai”.
Nghị định 68 vẫn quy định bản kê khai tài sản, thu nhập được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ, và chỉ được sử dụng trong ba trường hợp: Phục vụ việc bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật; phục vụ cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc thẩm tra, xác minh kết luận về hành vi tham nhũng và phục vụ công tác khác liên quan đến tổ chức, cán bộ.
Luật sư Đỗ Đức Hồng Hà, người có nhiều năm giảng dạy về Luật phòng chống tham nhũng cho rằng, quy định như vậy là tương đối đủ cho mọi trường hợp kê khai.
Luật sư Đỗ Đức Hồng Hà, Bộ Tư pháp: “Quy định này thực chất đã bao gồm các trường hợp khác và bao gồm cả công khai trước cử tri và dân chúng, trực tiếp hoặc gián tiếp bởi vì hiện nay, cả cử tri và dân chúng đều có thể thông qua các đại diện của mình, hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đều có thể tham gia vào kiểm soát hoạt động có liên quan trong Nghị định 68”.
Đã có ý kiến cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào bản kê khai tài sản và thu nhập, thì cán bộ của chúng ta rất nghèo. Vấn đề hiện nay là nhiều người có tài sản, có thu nhập nhưng lại được đứng tên người khác. Và Nghị định 68 cũng chưa đưa ra các biện pháp ngăn chặn việc nhờ người khác đứng tên tài sản. Muốn làm được điều này, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân trong việc thực hiện các giao dịch dân sự về mua bán, chuyển nhượng nhà đất và các tài sản có giá khác với mức lệ phí hợp lý.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước