Hy Lạp đau đầu với bài toán "chảy máu" chất xám

Hoàng Giang-Chủ nhật, ngày 14/04/2013 20:58 GMT+7

 Khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp cao đang khiến nhiều tài năng trẻ tuổi người Hy Lạp rời bỏ đất nước để đi tìm những cơ hội việc làm tốt hơn.

Sự ra đi của nhiều tài năng tại Hy Lạp đã và đang gây lãng phí cho ngành giáo dục nước này. Về lâu dài, thực tế này còn có thể ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội.

Để thoát khỏi bóng đen của cuộc khủng hoảng nợ, Hy Lạp đã phải thực thi nhiều biện pháp "thắt lưng buộc bụng", hậu quả của hành động này là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 18 - 25 đã vượt quá 60%, buộc nhiều người Hy Lạp trẻ tuổi phải tìm vận may ở nước ngoài.

‘ Người trẻ tại Hy Lạp đang rơi vào cơn khủng hoảng việc làm trầm trọng. (Ảnh: maxi-forex.com)

Anh Antony, sinh viên ĐH Athens cho biết: “Tìm việc làm ở Hy Lạp rất khó khăn vì chính sách khắc khổ. Tôi muốn ở lại đây và đấu tranh chống lại thực trạng này, nhưng tôi không biết mình có thể làm được điều đó không. Nếu học xong mà không có cơ hội việc làm, có thể tôi sẽ buộc phải tới nước khác để tìm việc làm cho mình”.

Theo một nghiên cứu của trường ĐH Macedonia, chỉ trong vòng 5 năm qua, đã có tới 150.000 cử nhân người Hy Lạp ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn. Trong số đó, 61% cho biết họ không bao giờ nghĩ tới chuyện nộp đơn xin việc trong nước.

Anh Antony cho biết thêm: “Nhiều bạn bè của tôi sẵn sàng rời bỏ đất nước. Điều này thực sự rất buồn và tồi tệ, vì họ đều là những người muốn xây dựng đất nước Hy Lạp. Tôi thấy họ là những người có kiến thức, đã được học hành và có thể làm nhiều điều ở đây”.

Nếu tính đến phí tổn đầu tư cho giáo dục bậc cao, đây thực sự là thực trạng đáng lo ngại cho Hy Lạp. Ước tính mỗi sinh viên học sau đại học tại Hy Lạp được đầu tư khoảng 6,500 USD, 98% trong số này là do nhà nước chi trả. Tuy nhiên, công việc họ nhận được thường không tương xứng với mức độ đầu tư.

Ông Nicholas J. Theocarakis, Giáo sư kinh tế, ĐH Athens cho rằng: “Tại thời điểm hiện nay, chúng tôi giáo dục mọi người, chúng tôi cố hết sức mình để mang giáo dục đến cho họ và tôi tin nền giáo dục này khá tốt. Thế nhưng với sự giáo dục như vậy, sinh viên tốt nghiệp lại bị thất vọng do mọi công việc đều có mức lương chỉ vào khoảng 300 - 500 euro/tháng. Tôi nghĩ mức lương như vậy không đáng, có lẽ đó là một trong những lí do vì sao Hy Lạp không thể hồi phục”.

Các biện pháp khắc khổ có thể tốt cho Hy Lạp trong ngắn hạn, song nếu tình trạng chảy máu chất xám đi kèm với những biện pháp thắt lưng buộc bụng tiếp tục kéo dài, sự phát triển bền vững của Hy Lạp sẽ không được đảm bảo trong tương lai.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước