Khai mạc Lễ hội Yên Tử 2012

Ngọc Hà-Thứ tư, ngày 01/02/2012 16:00 GMT+7

Sáng nay (1/2), Lễ hội Yên Tử - một trong những lễ hội dài nhất miền Bắc đã khai mạc tại Khu di tích danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Năm nay, lễ hội Yên Tử hy vọng sẽ thu hút 3 triệu khách tham quan.

Hàng vạn người đã hành hương về chùa Đồng trong ngày khai hội. Ảnh: dantri

Sau thành công của Lễ hội Yên Tử năm 2011- lễ hội lần đầu tiên được tổ chức theo phương thức đẩy mạnh xã hội hóa, đưa lễ hội về với cộng đồng và do cộng đồng tự quản lý - mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực và tiếp tục được phát huy trong lễ hội năm nay. Vì được chủ động hơn trong công tác tổ chức, nên Ban tổ chức đã có nhiều cố gắng “làm mới” cách thức tổ chức cả ở phần Hội và phần Lễ nên đã tạo được hứng khởi cho khách tham quan.
Với tư cách tham gia giám sát các hoạt động lễ hội và nghiên cứu sử và văn hóa, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, lễ hội Yên Tử là một trong những lễ hội được duy trì một cách nề nếp nhất, đáp ứng được yêu cầu của đời sống hiện đại và việc giao cho cộng đồng tham gia tổ chức lễ hội là một xu thế rất tích cực, không chỉ trong lĩnh vực lễ hội, mà trong lĩnh vực quản lý xã hội nói chung.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội lịch sử Việt Nam nói: “Bài học từ lễ hội Yên Tử cũng như một số nơi khác là xu thế cần khuyến khích, tất nhiên khuyến khích trên một sự thận trọng và có bài bản để từng bước tiến tới cái gì của dân thì để cho dân làm sẽ hiệu quả cả về lĩnh vực phát huy cũng như bảo tồn. Tính hiệu quả của lễ hội là làm sao khi người dân đến đây được thụ hưởng giá trị mà họ đang tận hưởng, vì cái đó chỉ có bản thân người dân mới hiểu mình nhất, Nhà nước có trách nhiệm với tư cách là người quản lý và tổ chức có tính chất hành chính, chính người dân là người phục hồi tốt nhất các hoạt động của lễ hội”.
Với một hệ thống chùa, am tháp trải dài từ chân núi lên đến đỉnh cao nhất của dãy núi Đông Bắc, khu di tích danh thắng Yên Tử từ lâu đã thu hút đông đảo du khách không chỉ quang cảnh thiên nhiên đẹp, mà còn là vùng đất địa linh gắn với cuộc đời tu hành của đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông cách đây hơn 7 thế kỷ, để hôm nay người dân đang thừa hưởng những giá trị tinh thần của thiền phái Trúc Lâm. Qua 1 năm, tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc đưa lễ hội về cộng đồng đã làm cho lễ hội Yên Tử phát huy tốt hơn bản sắc, hồn cốt của một lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo, gắn liền với thiền phái Trúc Lâm.
Tiến sĩ, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Thực chất lễ hội là của toàn dân, phục vụ cho nhân dân. Để người dân đứng ra tổ chức dưới sự định hướng của Nhà nước chắc chắn sẽ phù hợp với tâm nguyện của nhân dân hơn vì người dân biết họ cần gì. Cái được lớn nhất là được niềm tin của nhân dân và người ta an tâm, thứ hai là Nhà nước đỡ tốn kém nhất, đỡ phải đưa một lực lượng lớn vào phục vụ mà đây là nhân dân tự phục vụ nhân dân. Mới đây, rừng đặc dụng Yên Tử đã chính thức được Chính phủ phê duyệt thành rừng Quốc gia Yên Tử đã góp phần tích cực trong bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học, giá trị thẩm mỹ của cảnh quan thiên nhiên chung quanh các di tích”.
Một tin vui với khách tham quan hành hương về Yên Tử trong mùa lễ hội năm nay là vị vua anh hùng Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đang được xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Danh nhân văn hóa thế giới. Cùng với đó, Yên Tử và Khu di tích lịch sử - văn hóa nhà Trần tại Đông Triều tạo thành một không gian văn hóa nhà Trần ở Quảng Ninh cũng đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

Tin bài có liên quan

Đi lễ Đền Hùng - nét đẹp văn hoá tâm linh

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước