Khó khăn khi tác nghiệp của nhà báo kinh tế

Lê Bình -Thứ bảy, ngày 20/06/2009 08:00 GMT+7

Tỷ giá VND/USD đã có thời điểm lên sát ngưỡng 20.000VND/USD, giá vàng trong nước vọt qua mốc 22 triệu đồng/lượng, hay lãi suất tăng trên 20%/năm… Trước những cơn sốt đó, không ít những bài viết như thế đã được đăng tải kịp thời tới bạn đọc. Nhờ đó, phần nào các cơn sốt đã được cắt nghĩa và giúp ổn định tâm lý người dân.

Nhưng để có được những thông tin chính thống, chuẩn xác và đa chiều cho những bài viết của mình, các nhà báo đã gặp phải không ít khó khăn, kể cả đó là những nhà báo lâu năm, có kiến thức và mối quan hệ rộng.

Nhà báo Minh Đức, Thời báo kinh tế Việt Nam cho rằng: “Khó khăn nhất nằm ở khâu thẩm định thông tin mang tính kiểm chứng, xác minh. Xác minh, kiểm chứng liên quan đến cơ chế phát ngôn của cơ quan chức năng. Ví dụ, lĩnh vực tài chính có Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước. Thị trường nhạy cảm cần có sự phản ứng nhanh nhạy của các cơ quan chức năng”.

Cùng quan điểm với nhà báo Minh Đức, Nhà báo Phan Lợi (báo Pháp luật TP.HCM) còn cho biết, việc bị từ chối khéo ngay khâu liên hệ phỏng vấn những người có chức năng phát ngôn của một số bộ, ngành nhiều khi lại là may. Bởi trong nhiều trường hợp, cứ phải chờ đợi hay chạy theo các yêu cầu mang tính hành chính như xin ý kiến, làm công văn để có được 1 cuộc phỏng vấn sẽ khiến những thông tin có được sau đó mất đi tính thời sự, tính nóng hổi cần có.

Nhà báo Phan Lợi, Báo Pháp luật TP.HCM: “Tin tức báo chí là từng giờ, chứ không phải từng ngày nữa. Công văn gửi ngày hôm nay, 7 ngày sau mới nhận được thì thông tin đó có còn giá trị không. Sự việc đã thay đổi mất rồi. Thông tin như vậy không đáp ứng được tính thời sự như lúc chúng ta yêu cầu nữa”.

Với người dân và DN, nhu cầu thông tin thời sự là hoàn toàn chính đáng. Do vậy, khi nguồn thông tin chính thống bị chậm trễ, bưng bít sẽ tạo điều kiện cho các thông tin đồn đoán, tin ngoài luồng, thậm chí là tin sai lệch có cơ hội phát triển. Qua đó, sẽ tạo nên những ảnh hưởng xấu đến tâm lý và hành vi của cộng đồng.

Nhà báo Phan Lợi, Báo Pháp luật TP.HCM: “Khi cơ quan nhà nước không cung cấp thông cho báo chí, nhu cầu thông tin của công chúng với những thông tin này lại càng lớn, người đọc sẽ tìm kiếm ở nhiều nguồn tin không tin cậy, chính vì vậy, tạo nên những tin đồn đoán nguy hiểm. Bạn hiểu như thế nào nếu những thông tin đồn đoán ngày một nhiều, ví dụ, tin đồn về nới rộng biên độ tỷ giá đã tạo nên sự căng thẳng trên thị trường ngoại tệ, người dân thì đổ xô đi mua ngoại tệ để cất giữ”.

Để xác nhận hoặc có được những thông tin bình luận về diễn biến trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua, trong nhiều trường hợp, các nhà báo thường tìm đến những chuyên gia kinh tế độc lập. Đây cũng là cách làm khôn ngoan trong bối cảnh các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính thường viện dẫn lý do “vấn đề nhạy cảm” hay “sếp chưa cho ý kiến” để né tránh việc công bố thông tin.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, dù đã nghỉ hưu nhưng những bình luận, phân tích của ông vẫn thường xuyên xuất hiện trong nhiều bài viết, phóng sự về những đề tài được xem là nhạy cảm trong suốt thời gian gần đây.

Ông cho biết: “Cần có người nói thẳng nói thật, chỉ rõ vấn đề dù có thể là hơi nặng với cơ quan nhà nước, nhưng như vậy sẽ tốt cho tất cả. Chính vì vậy, tôi sẵn sàng chia sẻ với nhà báo trong khuôn khổ kiến thức của tôi. Tôi sẽ làm những gì mà theo tôi là cần thiết cho doanh nghiệp, cho đất nước”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước