Khó khăn trong việc ghép tạng tại Việt Nam

Hà Bình -Thứ hai, ngày 12/12/2011 12:00 GMT+7

Hiện một số bệnh viện lớn tại Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng, tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn cho.

Một ca ghép tạng tại bệnh viện Việt Đức. (Ảnh: Sức khỏe dinh dưỡng)

Mặc dù Luật hiến, ghép tạng từ người cho chết não đã được ban hành từ năm 2007, nhưng vẫn còn rất ít ỏi. Tới thời điểm này, mới chỉ có 1 ca ghép tim, 2 ca ghép gan, 10 ca ghép thận được các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức tiến hành thành công. Đây là con số rất khiêm tốn so với nhu cầu ghép tạng ngày càng lớn tại bệnh viện Việt Đức cũng như nhiều bệnh viện lớn khác trong cả nước.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, cả nước có khoảng 10.000 người cần ghép thận, hơn 1.000 người cần ghép gan, tim nhưng chỉ có gần 100 bệnh nhân được ghép tạng lấy từ người cho chết não.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết: “Mỗi năm, bệnh viện Việt Đức có khoảng hơn 700 người chết não nhưng 1 năm qua chỉ có 5 người hiến tạng từ người cho chết não”.
Cũng như Việt Đức, hiện nay nhiều bệnh viện lớn như học viện Quân Y 103, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhi Đồng, bệnh viện Trung ương Huế… đã triển khai thành công ghép tạng lấy từ người cho chết não. Điều này giúp cho bệnh nhân giảm được chi phí tốn kém, mất thời gian khi phải ra nước ngoài.
GS-TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về “Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” cho rằng, lý do hiến tạng ít ỏi là do quan niệm của người Việt Nam vẫn chưa coi việc hiến tạng là ý nghĩa cao đẹp, vẫn muốn giữ nguyên các bộ phận cơ thể khi mất đi.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, việc thành lập Trung tâm điều phối quốc gia về hiến và ghép tạng - nơi quản lý danh sách người cần ghép và người hiến, quyết định dành phần tạng nào cho ai dựa trên các thứ tự ưu tiên cũng cần phải sớm được triển khai.
Hiện nay, một số bệnh viện lớn như Việt Đức đang xây dựng các cơ chế cụ thể để khích lệ người thân của người chết não hiểu và đồng ý hiến tạng, như đưa ra các cơ chế đãi ngộ với thân nhân người chết não, cụ thể là ưu đãi khám chữa bệnh, hỗ trợ kinh phí chứ không chỉ kêu gọi tự nguyện như hiện nay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước