Khó kiểm soát giá gas bán lẻ

Đỗ Thủy-Thứ ba, ngày 15/06/2010 09:03 GMT+7

Được xem là mặt hàng thiết yếu, trong danh mục bình ổn giá, nhưng trên thực tế từ 10 năm nay, thị trường gas vận động theo cơ chế thị trường.

Về giá gas cũng chịu sự quản lý của Thông tư 104, hướng dẫn thực hiện Nghị định 75 và Nghị định 170 về quản lý giá. Tuy nhiên, trong thời gian qua, thị trường gas cũng bộc lộ nhiều bất cập, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Việc kiểm soát giá gas trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào và người tiêu dùng có thể kỳ vọng gì từ chính sách của Nhà nước?

Giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng được quy định cụ thể và đúng với giá đăng ký tại Sở Công thương TP.Hà Nội. Mặc dù gas nằm trong danh mục các mặt hàng thiết yếu được Nhà nước bình ổn giá, nhưng việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết vẫn được xem là hiếm.

Hiệp hội gas Việt Nam nhìn nhận, khó kiểm soát giá gas bán lẻ do nhiều DN kinh doanh gas theo phương thức mua đứt bán đoạn. Nhiều cửa hàng, đại lý tự ý nâng giá bán lẻ cho người tiêu dùng. Trong khi đó, quy định quản lý của Nhà nước vẫn còn kẽ hở.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): “Gas cũng như mặt hàng sữa, theo quy định tại Thông tư 104 của Bộ Tài chính, chỉ các DN có 50% vốn Nhà nước trở lên mới phải đăng ký và kê khai giá…”

Ông Trần Trọng Hữu, Phó CT Hiệp hội gas Việt Nam: “Việt Nam có hơn 100 DN kinh doanh gas, nhưng những DN đáp ứng yêu cầu của thông tư lại không nhiều. Nhà nước đã quản lý thì tất cả các đơn vị kinh doanh và bán bình gas cho người sử dụng đều phải bình đẳng, đều phải công bố giá…”

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện tại, dự thảo thông tư về quản lý giá thay thế cho thông tư 104 đã được hoàn thành. Theo đó, đăng ký và kê khai giá sẽ là điều bắt buộc đối với tất cả các đơn vị kinh doanh gas, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến tận cửa hàng bán lẻ. Dựa trên cơ cấu tính giá và các yếu tố hình thành giá, Nhà nước sẽ có sự can thiệp nếu như các giải trình về giá của DN không hợp lý. Nghĩa là, giống như xăng dầu, thị trường gas được vận hành theo cơ chế thị trường nhưng phải chịu sự quản lý của Nhà nước.

Như vậy, thông lệ điều chỉnh giá gas 1 lần mỗi tháng cũng sẽ phải thay đổi. Nếu giá gas thế giới có biến động, thì các DN trong nước cũng phải điều chỉnh tương ứng.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, chế tài xử phạt với các DN vi phạm về giá sẽ mạnh hơn. Xử phạt theo hướng tăng nặng các hành vi vi phạm về giá. Mạnh tay rút giấy phép kinh doanh, truy tố pháp luật các hành vi nghiêm trọng.

Dự kiến, thông tư quản lý giá sửa đổi thông tư 104 sẽ được ban hành vào tháng 7 tới. Với thông tư này, việc kiểm soát giá gas đến tay người tiêu dùng sẽ tốt hơn và người tiêu dùng sẽ an tâm hơn khi mua được sản phẩm đúng với giá trị.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước