Khó xóa bỏ lò gạch thủ công ở Tuyên Quang

Ngọc Tình - Đặng Mai - Thanh Hoàng (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 20/08/2017 08:55 GMT+7

VTV.vn - Chưa đầy 4 tháng nữa là đến thời hạn xóa bỏ các lò đốt gạch thủ công ở khu vực miền núi, nhưng tại không ít địa phương, việc thực hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là đến thời hạn xóa bỏ 100% các lò đốt gạch thủ công ở khu vực miền núi, theo lộ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện nay, tại không ít địa phương, việc thực hiện chủ trương này đang gặp rất nhiều khó khăn. Câu chuyện tại một số làng nghề chuyên đốt gạch thủ công ở Tuyên Quang cho thấy, việc hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường thực sự là bài toán rất nan giải.

Xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang - nơi hơn 40 năm nay là làng nghề đốt gạch thủ công lớn nhất ở phía Bắc. Khói và bụi, liên tục suốt ngày đêm, bao trùm cả một vùng rộng lớn. Những ngôi nhà của chính những người dân làm nghề đốt gạch nằm xen lẫn giữa những lò gạch thủ công.

Với gần 80 lò gạch, sản xuất khoảng 50 - 150 vạn viên gạch mỗi ngày, hoạt động liên tục thì lượng khói độc hại thải ra môi trường là rất lớn.

Theo lộ trình, các lò gạch thủ công phải xóa bỏ và thay vào đó là các lò gạch liên tục kiểu đứng hiệu suất cao có hệ thống xử lý khí thải hoặc phải sản xuất gạch không nung.

Đối với khu vực này, có thể sử dụng các lò đốt gạch kiểu đứng. Tuy nhiên, với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng, đối với người dân địa phương khó có thể tự đầu tư.

Cùng với xây dựng các cơ chế hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật giúp người dân áp dụng công nghiệp sản xuất gạch mới, tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng để người dân các làng nghề sản xuất gạch phát triển, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước