Khu kinh tế mở Chu Lai: Đã thực sự mở?

Trường Sơn-Thứ tư, ngày 14/07/2010 07:00 GMT+7

Khu kinh tế mở Chu Lai có diện tích xấp xỉ bằng tổng diện tích của 135 KCN và KCX hình thành trong giai đoạn 1991-2006, nhưng sau hơn 7 năm hoạt động, phần lớn diện tích tại Chu Lai vẫn chưa được khai thác...

Cảng Kỳ Hà (KKT mở Chu Lai) đang rất cần được nạo vét để đón các tàu có trọng tải lớn.

5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm: Thừa Thiên-Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh hiện đang sở hữu tới 4/13 khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Nhiều ý kiến cho đây là lợi thế cạnh tranh của vùng, nhưng một số người trong cuộc lại cho rằng, chính phong trào xây dựng ồ ạt các khu kinh tế trọng điểm đang kìm hãm sự phát triển.

Câu chuyện tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam - khu kinh tế trọng điểm đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam có thể giúp chúng ta hiểu một phần lý do của lập luận này.

Khu kinh tế mở Chu Lai có diện tích xấp xỉ bằng tổng diện tích của 135 Khu công nghiệp và Khu chế xuất hình thành trong giai đoạn 1991-2006, nhưng sau hơn 7 năm hoạt động, phần lớn diện tích tại Chu Lai vẫn chưa được khai thác.

Các khu chức năng bên trong như khu thương mại tự do, khu du lịch, 3 trung tâm đô thị vẫn chỉ là những dự án trên giấy. 5 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Chu Lai hiện mới lấp đầy được khoảng 30%. Mỗi năm, khu kinh tế mở này mới chỉ đóng góp được khoảng 1,5-2 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Lúa, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết: “Vốn thực hiện chỉ 500 triệu, như thế so với mục tiêu ban đầu đề ra là chưa thực hiện được. Hạ tầng tại Chu Lai hiện chưa thực sự cạnh tranh để tạo ra chi phí thấp cho DN”.

Trên thực tế, Khu kinh tế mở Chu Lai nằm sát trục quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam, gần sân bay Chu Lai, có cảng Kỳ Hà nằm trong hệ thống cảng biển quốc gia. Số lượng thì nhiều và đầy đủ, nhưng về chất lượng thì hệ thống hạ tầng này đã quá lạc hậu so với nhu cầu hiện tại của khu kinh tế mở Chu Lai. Trong khi đó, việc đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng này lại dậm chân tại chỗ, do địa phương không có đủ nguồn lực tài chính.

Theo ông Lê Phước Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: “Khi xây dựng cơ chế thì Chính phủ có cho phép lấy nguồn thu từ khu kinh tế Chu Lai trong vòng 15 năm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên sau đó, Luật ngân sách được ban hành và cơ chế này chỉ được thực hiện hơn 1 năm thì phải bãi bỏ, cho nên nguồn lực để đầu tư không có nữa, địa phương không lo được”.

Chỉ trừ Đà Nẵng, 4/5 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đều có khu kinh tế trọng điểm kiểu như Chu Lai với các cơ chế ưu đãi giống nhau. Còn tính chung từ Thanh Hóa đến Phú Yên, hầu như tỉnh thành ven biển nào cũng đang phát triển khu kinh tế.

Phong trào “dàn hàng ngang” phát triển này được những người trong cuộc xác định là một lý do chính khiến các khu kinh tế chưa phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Lúa, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai: “Khi Chu Lai chưa được tổng kết, đánh giá một cách hệ thống tìm ra những nguyên nhân chậm phát triển, thì đã làm nhiều khu khác. Tôi cho đó là lý do khiến các khu kinh tế ở miền Trung đang gặp nhiều khó khăn”.

Ông Lê Phước Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: “Khu kinh tế Chu Lai là khu đầu tiên mà vẫn chưa được nhà nước tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng mà lại đồng loạt mở ra các khu kinh tế cùng một lần, thì nguồn lực và ngân sách của nhà nước cho phát triển hạ tầng là hết sức khó khăn. Nên quan điểm của tôi là quá dàn trải”.

Tại một Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp Quốc gia mới diễn ra, Chính phủ đã khẳng định: Sẽ tạo cơ chế để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế cũng như cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Nhưng trong khi chờ đợi cơ chế và sự hỗ trợ mới, thì Khu kinh tế mở Chu Lai và những khu kinh tế “anh em” trong vùng vẫn đang “dàn hàng ngang” cạnh tranh với nhau để tìm kiếm các nhà đầu tư vào lấp đầy những khu đất còn bỏ ngỏ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước