Kiều bào tâm huyết với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Thái Thanh-Thứ sáu, ngày 18/01/2013 11:45 GMT+7

Ảnh: VTV

Tại Hội nghị lấy ý kiến đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các kiều bào là nhà khoa học, doanh nhân có uy tín được đưa ra.

Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự đồng thuận và đánh giá cao những điểm mới được đề cập trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, đặc biệt là những nội dung được đề cập trong chương về Quyền con người.

Bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hungari phát biểu: “Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Hiến pháp lần này đã đưa vào nội dung Nhà nước và Hiến pháp bảo vệ công dân Việt Nam và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài trong Điều 18, Chương 2. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được Nhà nước bảo hộ là điều rất mới và rất tích cực”.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay đã có hơn 4.000 dự án của bà con Việt Kiều đầu tư về Việt Nam với số vốn đăng ký 6,5 tỷ USD, số kiều hối gửi về năm ngoái hơn 11 tỷ USD. Những việt kiều đã về Việt Nam làm ăn lâu năm cho rằng, trong Hiến pháp sửa đổi cần nhấn mạnh hơn đến việc bảo hộ công dân Việt Nam trong làm ăn buôn bán ở trong nước. Bà con cho rằng, Hiến pháp hiện hành đã đề cập đến điều này, nhưng khi sửa đổi cần nhấn mạnh hơn.

“Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phần này đã có từ trước, nhưng tôi nghĩ nên cho vào Hiến pháp cho rõ hơn. Nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài khi ký kết những hợp đồng có thể nhỏ hơn hợp đồng của bà con kiều bào mình, nhưng họ lại được cơ quan Sứ quán, Chính phủ, Bộ Ngoại giao bảo hộ. Ngược lại, bà con Việt Nam mình có chuyện gì thì không biết kêu ai”, ông Tài Phương, Hội người Việt Nam ở Hoa Kỳ kiến nghị.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều Việt Nam tại Canada: “Chúng ta nên thêm một câu trong Điều 19, Mục 1: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật là người được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân Việt Nam”.

Ông Bùi Đình Dĩnh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài cho rằng: “Cần nghiên cứu để làm sao Hiến pháp ngắn gọn, diễn đạt dễ hiểu, để làm sao mọi người dân có thể nắm và thực hành đúng theo Hiến pháp. Ví dụ, Điều 9 và Điều 10 nói về tổ chức chính trị và tổ chức chính trị xã hội, hai khái niệm này còn rất chung chung, đại đa số chưa hiểu ai là tổ chức chính trị và ai là tổ chức chính trị xã hội”.

Diễn ra trong buổi chiều 17/1, nhưng hầu hết các đại biểu tham dự đều đã phát biểu thẳng thắn vào những vấn đề được đề cập trong bản Dự thảo, với mong muốn nước Việt Nam có một bản Hiến pháp đáp ứng được nguyện vọng đông đảo của người dân, phù hợp với tình hình trong nước và thế giới và có thể trường tồn hàng trăm năm.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước