Lao động nghề cá và nghịch lý thừa - thiếu

Tấn Quýnh-Thứ ba, ngày 02/04/2013 11:32 GMT+7

Tại các làng biển đang xảy ra tình trạng thừa - thiếu lao động. (Ảnh minh họa)

 Hiện nay, tình trạng thừa và thiếu lao động nghề cá được xem là nghịch lý lớn nhất tại các vùng biển.

Một chuyến biển câu cá ngừ đại dương của ngư dân 20 ngày thường cần ít nhất 10 lao động mà mọi người vẫn thường gọi là bạn thuyền. Chỉ tính riêng ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, số tàu khai thác cá ngừ đã lên đến con số 1.500 chiếc. Điều này, đồng nghĩa với việc các địa phương phải cần tối thiểu 15.000 lao động trực tiếp trên biển để duy trì hoạt động nghề khai thác cá ngừ đại dương.

Nếu tính trên số lao động hiện có ở vùng biển Nam Trung Bộ, thực sự sẽ không phải là thiếu lao động cho các tàu khai thác cá ngừ. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy vào mùa cao điểm khai thác thủy sản, các chủ tàu cũng phải ngược xuôi để tìm kiếm bạn thuyền.

Hằng ngày, vẫn có những tàu cá đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho chuyến biển mới, nhưng lại chưa thể ra khơi vì chưa có đủ bạn thuyền. Trong khi đó, tại làng biển lại có những lao động đang tìm việc làm. Nghịch lý này xuất phát từ lý do: Ngư dân không mặn mà làm việc trên các tàu cá, nếu như tàu cá đó không đem lại thu nhập khấm khá cho họ.

Có một thực tế, tiền công của bạn thuyền thường phụ thuộc vào từng chuyến biển, trong khi đó các chủ tàu lại không thể biết chuyến biển có thu được nhiều tiền hay không. Thời điểm hiện nay, mặc dù các tàu khai thác được từ 2 - 3 tấn cá ngừ đại dương trong mỗi chuyến biển, song lợi nhuận lại giảm sút do giá cá hạ. Có bạn thuyền, cả một chuyến biển chỉ nhận được vài trăm ngàn đồng. Đây là lý do đẩy lao động trực tiếp trên biển của nghề cá rơi vào cảnh thiếu hụt trầm trọng.

Ông Đỗ Trung Hiệp, Trưởng ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Hiện nay, tại các làng biển Khánh Hòa, bà con ngư dân về đây rất đông. Thông thường mọi người thấy ghe nào đánh bắt đươc sẽ xin đi cùng ghe đó. Tuy nhiên, có những thời điểm các ghe thuyền đánh bắt không hiệu quả, ngư dân lại bỏ đi nơi khác. Điều này đã làm cho lao động đi biển nhiều lúc bị thiếu hụt vì không có lao động sẽ không đủ lực để kéo cá ngoài biển”.

Nặng nhọc, nhiều rủi ro là hai sức ép lớn đối với công việc khai thác hải sản trên biển. Nếu như thu nhập không tương xứng, chắc chắn không phải hiện tại mà về lâu dài, ngay cả những làng biển đông dân cũng rơi vào cảnh thiếu hụt lao động đi biển. Các tàu thuyền vì thế sẽ rơi vào cảnh neo bờ, trong khi đó sự dịch chuyển lao động từ vùng biển sang các đô thị đi tìm các công việc khác sẽ càng gia tăng.

Thực tế này chỉ có thể được giải quyết nếu như những con tàu nhiều cá, mang lại nhiều lợi nhuận cho ngư dân. Giải quyết tình trạng thiếu lao động đi biển, cũng đồng nghĩa phải giải quyết bài toán hiệu quả nghề cá.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước