'Lao động Việt Nam vẫn được hưởng 100% quyền lợi như trước khi tham gia Hiệp định TPP'

VTV News-Thứ tư, ngày 18/11/2015 14:40 GMT+7

VTV.vn - Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vấn đề lao động của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang vấn đề được cả nước quan tâm, nhất là người lao động.

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Trần Ngọc Vinh, Võ Kim Cự về vấn đề lao động trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Với cách tiếp cận người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải được hưởng thành quả của quá trình này”.

Thủ tướng cho biết Hiệp định TPP là một Hiệp định Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy định nội dung về lao động nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thể hiện trong 8 công ước cơ bản, trong đó bao gồm các nội dung: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992 và đã phê chuẩn 5 trên 8 công ước cơ bản của ILO. Tuy nhiên, theo tuyên bố của ILO năm 1998, các nước thành viên dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các công ước cơ bản, đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các tiêu chuẩn lao động được đề cập trong các công ước này. Như vậy, trên thực tế, Việt Nam đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định đầy đủ và cơ bản là phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết trong Hiệp định TPP. Việt Nam đang thực hiện và sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đối với những nội dung này.

Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo Hiệp định TPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và tất cả các nước tham gia Hiệp định TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Tổ chức này sau khi thành lập có thể lựa chọn gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Hiệp định TPP cũng như quy định của ILO đều khẳng định tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại và theo các tiêu chuẩn của ILO, đồng thời phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quyền đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp nơi họ làm việc thông qua các hình thức: đối thoại, thương lượng tập thể, đình công và các hành động tập thể khác trong quan hệ lao động theo quy định của pháp luật. Các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích và điều lệ hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiệp định TPP cũng có các quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động. Điều này cũng phù hợp với quy định của ILO.

Theo cam kết trong Hiệp định TPP, chỉ riêng đối với Việt Nam, thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký Hiệp định, các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với các quy định của ILO.

Sau khi Hiệp định TPP được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, đối với nội dung về lao động trong Hiệp định, Việt Nam sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi nội dung về lao động trong Hiệp định, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và quy định của ILO.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc thực hiện các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP cũng chính là việc tiếp tục thực hiện các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là một thành viên. Điều này không ảnh hưởng, không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò, chức năng nhiệm vụ và tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước