Mạo danh công an một cách bài bản để cưỡng đoạt tài sản

Tuyết Mai-Thứ sáu, ngày 21/03/2014 10:48 GMT+7

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện tình trạng mạo danh công an để cưỡng đoạt tài sản. Đối tượng bị hại tập trung chính ở những người làm nghề bán nước, bán xổ số, kinh doanh lấn chiếm lòng đường...

Theo đó, nắm bắt được những điểm yếu của nhóm kinh doanh này là thường hay vi phạm pháp luật, các đối tượng mạo danh công an đã buộc họ phải chi tiền nếu không sẽ bắt giữ hoặc sẽ không thể yên ổn mà kinh doanh. Do lo sợ nên không ít người dân đã phải âm thầm đưa tiền cho chúng.

Bà Minh ở huyện Hoài Đức cho biết, khoảng hai tháng trước, trong lúc bà đang bán hàng nước lấn chiếm ra vỉa hè và ghi lô đề thì một đối tượng xuất hiện xưng là phó phòng hình sự cùng ba người khác, đang thực hiện việc kiểm tra đột xuất.

Đối tượng trên thông báo, qua quá trinh sát đã thấy bà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là ghi lô đề. Để được yên ổn, người xưng là phó phòng hình sự yêu cầu bà phải đưa cho mỗi cán bộ 200.000 đồng. Để gây áp lực tâm lý, đối tượng trên đã cố tình để lộ còng số 8 và cho biết sẽ bắt bà nếu bà không đưa tiền.

Bà Bảo - một người bị hại khác làm nghề bán vé số cho biết, bà cũng đã bị một đối tượng xưng là cảnh sát hình sự bắt phải nộp 5 triệu đồng, nếu không sẽ dùng còng số 8 bắt giữ. Do lo sợ bị bắt, bà Bảo cũng đã đưa tiền cho chúng .

‘ Ảnh: VTV Online

Mới đây, qua quá trình thu thập thông tin, Công an huyện Hoài Đức đã bắt giữ Nguyễn Trọng Thăng - một trong các đối tượng lừa đảo mạo danh Công an. Tại cơ quan điều tra, bản thân đối tượng cũng thừa nhận, lợi dụng điểm yếu của những người kinh doanh vỉa hè thường có nhiều sai phạm như: lấn chiếm lòng đường, bán vé số kèm lô đề, đối tượng đã uy hiếp họ đưa tiền dễ dàng nhiều lần mà không bị phát hiện.

Nói về tình trạng trên, đại diện công an huyện Hoài Đức cho rằng, sở dĩ các đối tượng có thể mạo danh công an rồi thành công trong việc lừa đảo là do chúng đã lên kế hoạch khá bài bản, từ việc nghiên cứu khá kỹ lưỡng về tên tuổi công việc của người chủ định lừa đảo. Cho đến việc khôn khéo ngụy trang trong cái vỏ cảnh sát hình sự.

Liên quan tới tình trạng mạo danh công an để cưỡng đoạt tài sản, Công an Hà Nội cũng khuyến cáo: Người dân cần nâng cao cảnh giác và nếu gặp tình huống như trên nên tố giác với cơ quan công an để có biện pháp ngăn chặn.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên VTV, sở dĩ các đối tượng trên có thể dễ dàng lừa đảo như vậy là do nhiều năm qua, hoạt động kinh doanh của các quán vỉa hè nhất là việc ghi lô đề cờ bạc vẫn được làm ngơ và bảo kê. Nhiều chủ hàng quán cho biết, hàng tháng họ đều phải nộp tiền làm luật cho các cán bộ phường xã và các cơ quan quản lý khác mới có thể được "yên ổn vi phạm".

Quý vị có thể theo dõi thêm nội dung chi tiết qua VIDEO dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước