Mặt trái của việc dùng đèn cao áp câu cá ngừ đại dương

Tấn Quýnh-Thứ ba, ngày 12/06/2012 11:00 GMT+7

Dùng đèn cao áp để câu cá ngừ đại dương đang nổi lên như là một hiện tượng trong khai thác cá ngừ ở các tỉnh Nam Trung bộ. Nhưng cùng với đó, hệ lụy đã xảy ra: giá cá ngừ đại dương sụt giảm với lý do đưa ra là cách khai thác bằng đèn cao áp đã làm giảm chất lượng cá.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Trên tàu câu cá của ngư dân, tàu ít thì trang bị 15 bóng đèn, nhiều thì 20-25 bóng, mỗi bóng có công suất từ 1000 - 3000 W . Mỗi bóng đèn cao áp giá từ 1- 1,5 triệu đồng, nghĩa là để đầu tư dàn đèn cho tàu cá, ngư dân phải bỏ ra hàng chục triệu. Vậy nhưng, ngư dân sẵn sàng trang bị đèn cao áp cho tàu câu cá ngừ đại dương.
Khi dùng đèn cao áp, có tàu chỉ trong 10 ngày thu được 50 con cá ngừ , so với lối câu cá ngừ bằng vàng câu lâu nay, cả chuyến biển 20 ngày chỉ thu được 30 con cá ngừ. Tuy nhiên, cùng với cái lợi là khai thác được nhiều cá, mấy tháng qua, ngư dân gặp phải điều trở ngại: giá cá ngừ đại dương khai thác từ các tàu có đèn cao áp giảm đi một nửa, chỉ còn 100-110 ngàn đồng/ kg mà nguyên nhân cho rằng cá câu bằng điện không đạt chất lượng bằng câu vàng.
Liệu có phải lối khai thác cá ngừ bằng câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp làm giảm chất lượng cá hay không? Cái được và mất từ lối khai thác cá ngừ bằng đèn cao áp là gì? Đó là vấn đề cần được đặt ra nghiêm túc bởi cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và đây cũng là nghề chính trong khai thác biển của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ.
Hiện tại, các nhà khoa học biển chưa có những nghiên cứu cụ thể về điều này, chỉ mới đưa ra những nhận định ban đầu.
Thạc sỹ Nguyễn Trọng Thảo, Viện Khoa học và công nghệ khai thác, Đại học Nha Trang phát biểu: “Thủy sản là loại biến nhiệt. Khi nhiệt độ chỉ cần thay đổi 1- 2 độ so với môi trường sẽ làm chất lượng cá thay đổi. Trong quá trình thu hoạch cá, cá vận động dẫn đến biến đổi chất lượng”.
Thông tin từ Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, có đến 60% trong tổng số 12 ngàn tấn cá ngừ đại dương khai thác mỗi năm ở Việt Nam không đủ chất lượng để xuất khẩu. Tỷ lệ này sẽ càng gia tăng với việc xuất hiện kiểu khai thác ở tàu có ánh sáng đèn cao áp, chưa nói đến tác động nguồn lợi.
Dùng đèn cao áp câu cá ngừ - công nghệ mới trong khai thác, sản lượng tăng nhưng liệu sản lượng đó có ý nghĩa khi mà cá khai thác không xuất khẩu được. Khai thác số lượng ít- giá trị cao hay khai thác số lượng nhiều- giá trị thấp đang là vấn đề đặt ra cho ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ. Ở đây, vai trò tổ chức nghề câu cá ngừ một lần nữa bộc lộ những hạn chế, mặc dù ở các tỉnh Nam Trung bộ có đến 1500 tàu câu cá ngừ đại dương và đây là nơi cung cấp mặt hàng cá ngừ - mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của cả nước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước