Máy bay Malaysia mất tích: PV nước ngoài đánh giá cao công tác tìm kiếm của Việt Nam

Ngọc Quân-Thứ tư, ngày 12/03/2014 14:24 GMT+7

Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chỉ đạo công tác tìm kiếm tại Đài kiểm soát không lưu. (Ảnh: Tienphong)

"Chính phủ Việt Nam đã huy động rất nhiều lực lượng và phương tiện để tham gia vào hoạt động tìm kiếm, cứu hộ và họ đã làm rất có trách nhiệm” - Chin Ly Horn, phóng viên thường trú của Tân Hoa Xã, nói.

Trong những ngày qua, từ khi xảy ra vụ việc máy bay của Hãng hàng không Malaysia mất tích, cùng với quá trình tìm kiếm liên tục của các đơn vị chức năng Việt Nam, lần đầu tiên người dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đón tiếp đội ngũ phóng viên quốc tế hùng hậu hơn 100 người. Tin tức nóng hổi xung quanh các hoạt động tìm kiếm đã liên tục được cập nhật, lan tỏa nhanh chóng trên thế giới.

Theo ghi nhận của phóng viên VTV Ngọc Quân, từ sáng đến tối, có cảm giác rằng cánh phóng viên không hề mệt mỏi trong các hoạt động nghiệp vụ của mình. Đưa tin về công tác tìm kiếm cứu nạn là chuyển tải những thông tin trong sự lo lắng, đau buồn của những người có liên quan. Với các nhà báo quốc tế, trách nhiệm xã hội cũng là lý do để họ nỗ lực hết mình chuyển tải thông tin đến với công chúng sớm nhất, nhanh nhất.

Anh Chin Ly Horn - Phóng viên thường trú của Tân Hoa Xã tại Campuchia – trao đổi với phóng viên trong sở chỉ huy: “Tôi chỉ nghĩ rằng rất nhiều người trên thế giới đang quan tâm theo dõi tin tức liên quan đến vụ chiếc máy bay mất tích của Malaysia. Vì vậy công việc của tôi là làm thế nào chuyển được những tin tức ấy càng nhanh, càng tốt cho khán giả”.

Có mặt tại Phú Quốc từ ngày 9/3, chỉ một ngày sau vụ mất tích máy bay của hãng hàng không Malaysia, anh Chin Ly Horn, phóng viên thường trú của Tân Hoa Xã tại Campuchia là một trong những phóng viên quốc tế đầu tiên được cử đến Việt Nam để đưa tin về công tác tìm kiếm cứu hộ. Mỗi ngày anh chuyển về trụ sở tại Bắc Kinh 2-3 tin theo các diễn biến. Một nỗ lực đáng ghi nhận trong hoàn cảnh không thông thuộc địa bàn và không có phiên dịch tiếng Việt.

“Tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đã huy động rất nhiều lực lượng và phương tiện để tham gia vào hoạt động tìm kiếm, cứu hộ và họ đã làm rất có trách nhiệm”.

Tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống trong lúc chờ phỏng vấn, ghi hình, ghi âm. Sảnh sân bay, mái hiên hay thậm chí hành lang cũng dễ dàng trở thành nơi nghỉ tạm. Các phương tiện tác nghiệp đa phần là gọn nhẹ và cực kỳ tiện dụng, đảm bảo cho khâu vận chuyển và hoạt động lâu dài. Hơn 100 phóng viên quốc tế có mặt tại Phú Quốc những ngày qua, đa số đến từ các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử của Trung Quốc, Hong Kong. Ngoài ra còn có mặt nhiều hãng truyền thông lớn của thế giới như Reuters, BBC, AP, AFP…

Nói về sự hỗ trợ của huyện đảo Phú Quốc trong sự kiện này, ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - Kiên Giang, cho biết: “Chúng tôi đã dự trù về an ninh trật tự để đảm bảo cho các nhà báo quốc tế, thân nhân của người bị nạn đến đây có những điều kiện thuận lợi. Ngoài ra chúng tôi cũng đã có chuẩn bị, rà soát về khách sạn, cơ sở lưu trú…”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước