Mỗi nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần

Quang Hiệu-Thứ sáu, ngày 06/06/2014 21:26 GMT+7

Đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương (Ảnh: Vietnamnet)

Đây là điểm mới trong Tờ trình về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn do Trưởng ban Công tác Đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày sáng 6/6 tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm sẽ phát huy hiệu quả việc giám sát, đánh giá cán bộ thường xuyên, tuy nhiên thời gian giữa các lần lấy phiếu tín nhiệm là quá ngắn, một năm là chưa đủ thời gian để người được lấy phiếu tín nhiệm điều chỉnh, khắc phục hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chọn phương án mỗi nhiệm kỳ sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào năm thứ ba.

Việc mỗi nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần sẽ tạo cơ chế giúp người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian, điều kiện để khắc phục hạn chế, thiếu sót trong quá trình công tác, tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận Hội nghị Trung ương 9 khóa XI.

Liên quan đến đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như quy định Nghị quyết số 35 của Quốc hội, đồng thời giữ nguyên ba mức phiếu tín nhiệm như hiện hành là: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, để đảm bảo sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ.

Tờ trình cũng nêu rõ: Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, khi có quá nửa đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa nhưng chưa đến hai phần ba đánh giá tín nhiệm thấp thì sẽ được bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo. Còn trong trường hợp người có từ hai phần ba trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì sẽ được bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.

Cũng trong sáng nay, thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều trong dự thảo Luật dạy nghề hầu hết các đại biểu Quốc hội cho rằng, những kiến thức lý thuyết đặc biệt là về văn hóa trong chương trình học nghề nên cân nhắc bởi với một khối lượng chương trình giảng dạy nặng nề sẽ tạo sức ép lớn đối với các học sinh. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng kiến nghị trong dự thảo luật nên quy định cụ thể hơn cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề để học sinh được tiếp cận với thực tế, tránh bỡ ngỡ khi vào làm việc tại doanh nghiệp.

Quý vị cũng có thể theo dõi lại nội dung bằng cách xem VIDEO dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước