Một bộ phận cán bộ thờ ơ, vô cảm, khiến doanh nghiệp phải "đi đêm"

PV-Thứ tư, ngày 17/05/2017 12:54 GMT+7

VTV.vn - Một số cán bộ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm khiến DN phải "đi đêm" là phát biểu Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 201

Trong sáng nay (17/5), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Tại Hội nghị, bên cạnh phần báo cáo của một số bộ ban ngành, một nội dung được rất được quan tâm chính là phần hiến kế và kiến nghị từ phía các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp.

Trong nội dung này, với tham luận về chủ đề "Các chi phí của doanh nghiệp", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (DNNVV) Nguyễn Văn Thân đã đưa ra hàng loạt các thách thức, khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện. Trong đó nổi bật là vấn đề chi phí (gồm cả chi phí chính thức lẫn không chính thức", cùng những khó khăn đến từ các thủ tục hành chính.

Một bộ phận cán bộ thờ ơ, vô cảm, khiến doanh nghiệp phải đi đêm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thân , Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Ảnh: doanhnghiepvn.vn)

Theo ông Thân, về chi phí chính thức, kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều chi phí chính thức, nhất là trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật, thủ tục hành chính, thuế, lệ phí... vẫn còn ở mức cao. Nhiều quy định còn chồng chéo, phức tạp làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp. Ông Thân cũng nêu rõ, chi phí không chính thức trong lĩnh vực thuế, hải quan có xu hướng giảm nhưng chi phí tiếp cận dịch vụ công như xin cấp chứng chỉ hành nghề, đánh giá tác động môi trường, tiếp cận tín dụng, phóng cháy chữa cháy... chưa cải thiện đã dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về các nguyên nhân, ông Thân cho biết mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất. Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Do đó, doanh nghiệp phải "đi đêm", "chung chi", theo tinh thần "của công chia ba, của nhà chia đôi". Doanh nghiệp hiểu một phần lý do là tiền lương của cán bộ, công chức còn thấp, đạo đức công vụ thấp, nên họ phải tìm nguồn thu nhập thêm.

Từ phía DN, một bộ phận doanh nghiệp nhận thức không đúng về kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh nên cạnh tranh bằng quan hệ, đi đêm, đi ngầm… Một số khác do bị sức ép từ các công chức nên phải chi để được việc mặc dù nhận thức được việc làm này là không đúng, vi phạm pháp luật, nhưng vì sự tồn tại của doanh nghiệp, vì việc làm nên miễn cưỡng thực hiện.

Ông Thân cho rằng nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp. Nó sẽ khiến doanh nghiệp mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân.

Do đó, rất cần sự chung tay và thực tâm từ hai phía là cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Từ tình hình trên, Hiệp hội xin kiến nghị, về phía doanh nghiệp cần xây dựng tập quán, thói quen tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, làm giàu chân chính là yêu nước, nói không với tiêu cực, nâng cao năng lực quản trị…

Hiệp hội mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI hỗ trợ, liên kết với các DN nhỏ và vừa trong chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ… để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, đề nghị có giải pháp tăng cương kỷ luật, kỷ cương, khen thưởng kịp thời các cán bộ công chức có trách nhiệm, nêu cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp. Chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trình Quốc hội Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là đạo luật quan trọng, trong đó đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cụ thể cho Hiệp hội.

Một bộ phận cán bộ thờ ơ, vô cảm, khiến doanh nghiệp phải đi đêm - Ảnh 2.

Thủ tướng phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 (Ảnh: VPG)

Hiện nước ta đang tồn tại 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,7 triệu hộ có đăng ký và 77% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam đi lên từ hộ kinh doanh. Nên các hộ kinh doanh cần được đối xử bình đẳng như với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Muốn hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, phải có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để họ thấy việc chuyển đổi có lợi ích lâu dài. Hiêp hội đề nghị Thủ tướng giao Hiệp hội phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng chương trình hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp", Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 có khoảng 2.000 đại biểu sẽ trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân có khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…

Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu. Dự kiến, tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu sẽ dự Hội nghị.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước