Nâng cao chất lượng tranh tụng tại Tòa

Ngọc Thành-Thứ năm, ngày 07/11/2013 19:00 GMT+7

Vấn đề hạn chế án oan sai, án hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm quán, cách xử lý đối với vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn đã được các đại biểu QH đề cập trong phiên thảo luận chiều 7/11.

Một trong những chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra đối với công tác thi hành án là giảm ít nhất 1% tỷ lệ các vụ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán nhằm nâng cao chất lượng xét xử đúng người đúng tội. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm mới chỉ giảm được khoảng 0,2%.

Ông Nguyễn Trọng Trường, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: Mỗi năm vụ án bị hủy, sửa do chủ quan thẩm phán là 0,2%, công tác xét xử đã nâng cao hiệu quả rõ rệt. Án hành chính đã tăng 1.561 vụ trong năm 2013, phần lớn án bị hủy, sửa là ở các cấp huyện. Đề nghị rút những vụ án hành chính đặc biệt ở cấp huyện lên xét xử ở cấp cao hơn.

Đối với vấn đề giải quyết án oan sai, các đại biểu cho rằng, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng trong năm qua các đơn khiếu nại cấp giám đốc thẩm, tái thẩm còn rất lớn với hơn 20.000 đơn. Tuy nhiều vụ đã được xử lý nhưng vẫn thiếu căn cứ hoặc sơ sài hay không được xét xử đúng thời hạn gây mất niềm tin trong nhân dân.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt, ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Các cơ quan tối cao còn xem nhẹ việc giải quyết đơn của nhân dân. Vấn đề ở đây là giám đốc thẩm, tái thẩm là xem xét lại vụ án, hoặc phát hiện thêm tình tiết mới, do đó giám đốc thẩm, tái thẩm không phải cấp xét xử, nhưng hiện nay giám đốc thẩm lại như 1 cấp xét xử. Cùng với đề xuất sửa đổi Luật tố tụng, với cơ quan tư pháp cần yêu cầu người làm công tác điều tra, thực hiện NQ 49 đưa việc xét xử tại tòa thành cơ chế tranh tụng. Đảm bảo quá trình tố tụng khách quan, trung thực, tránh tình trạng ép cung, nghiêm cấm hành vi cản trở cung cấp tài liệu.

Một số đại biểu cũng đồng tình với hướng giải quyết của Viện Kiểm sát NDTC chọn hình thức tái thẩm chứ không phải giám đốc thẩm đối với vụ án Nguyễn Thanh Chấn, người đã ngồi tù 10 năm và vừa được thả tự do ba ngày trước đây, sau khi Viện Kiểm sát NDTC ra kháng nghị tái thẩm bản án mà Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang kết án tù chung thân ông Chấn về tội giết người vào năm 2004. Và kháng nghị này đã được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận huỷ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang và bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại Hà Nội trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn để điều tra, xét xử lại.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC: Vụ Nguyễn Thanh Chấn, có ý kiến đặt vấn đề tại sao chỉ là tái thẩm mà không phải giám đốc thẩm, tôi xin nhấn mạnh là dù hình thức nào thì kết quả là như nhau và chỉ khác nhau ở cái điều kiện. Quyết định tái thẩm vì đã xuất hiện tình tiết mới, vì nhận được đơn tố giác, với việc đầu thú của hung thủ làm thay đổi bản chất vụ án.

Trả lời với báo chí, Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, tái thẩm hay giám đốc thẩm đối với vụ án này thì cuối cùng những vi phạm nếu có của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bị xử lý. Vì đã sai ở giai đoạn nào khi đã có kết quả cuối cùng thì việc xem xét trách nhiệm những tập thể và cá nhân tham gia quá trình tố tụng vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn đều được đặt ra và xử lý nghiêm.

Cũng trong ngày hôm nay, các đại biểu cũng đã thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, kết quả thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội. Công tác phòng chống tham nhũng năm 2013.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước