Nâng cao năng lực Hội Bảo vệ người tiêu dùng

Kim Dung-Chủ nhật, ngày 18/09/2011 19:00 GMT+7

Người tiêu dùng muốn thực hiện được các điều khoản được ghi trong Luật là rất khó khăn bởi vì không phải ai cũng có được một kiến thức đầy đủ về pháp luật, do vậy xuất hiện những tổ chức xã hội ra đời nhằm hỗ trợ hoặc đứng ra đại diện cho cá nhân.

Trung tuần tháng 5 năm 2011 vừa qua, anh Hồ Phú Quốc Cường ở quận Tân Phú, TP.HCM đến chi nhánh Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động ở đường Cách Mạng Tháng 8, quận Tân Bình mua một điện thoại di động HTC Desire Black với giá gần 13 triệu đồng. Tại đây, anh Cường đồng ý mua thêm gói dịch vụ bảo vệ điện thoại với giá 1,8 triệu đồng. Thế nhưng sau đó một tuần, điện thoại bị mất, anh Cường đến chi nhánh Công ty Thế giới Di Động nhờ xác định vị trí điện thoại thì được giải thích do nhân viên quên, chưa kích hoạt thiết bị và xin lỗi khách hàng chứ không đồng ý đền bù. Qúa bức xúc, anh Cường gởi đơn đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, nhưng Hội này cũng không giải quyết được.

Anh Hồ Phú Quốc Cường, quận Tân Phú, TP.HCM cho biết: "Sau 2 lần Hội Bảo vệ người tiêu dùng gửi thư mời nhưng phía Công ty Thế giới Di động không tới để giải quyết khiếu nại, sau 2 lần chúng tôi mất nhiều công sức, tôi thấy Công ty quảng bá không đúng sự thật. Sau khi sự việc xảy ra thì chỉ nhận được lời “xin lỗi anh chị”. Như vậy công ty thu lợi trực tiếp, còn khách hàng không được bảo vệ".

Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, do quyền của Hội có hạn, nên gặp phía bị khiếu nại không có thiện chí thì đành chịu. Hội chỉ còn cách chuyển tiếp hồ sơ lên Ban Bảo vệ người tiêu dùng, thuộc Sở Công thương để nhờ xem xét. Tuy nhiên, tâm lý người tiêu dùng thường không muốn đến cơ quan công quyền, pháp lý để giải quyết vì ngại tốn kém án phí, mất thời gian và nhiều lý do tế nhị khác... Chính vì thế, hiện tại, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM vẫn là nơi được nhiều người tiêu dùng tìm đến. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, dù Hội này đã được thành lập gần 20 năm nhưng chưa bao giờ được cấp kinh phí để hoạt động. Như vậy, ngay chính quyền lợi của Hội cũng chưa tự bảo vệ được.

TS Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM cho biết: "Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho tổ chức Bảo vệ người tiêu dùng do Nhà nước giao nhiệm vụ. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo địa phương nên quan tâm đến hoạt động của Hội để giảm bớt khó khăn khi Ban chấp hành đều lớn tuổi, tài chính không có”.

Cũng theo Hiệp hội bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM, dù Luật bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực từ ngày 1/7, nhưng hiện nay tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn ra khá phổ biến. Trong khi Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa nhận được sự quan tâm của chính quyền thì người tiêu dùng muốn đòi quyền lợi chính đáng của mình cũng còn phải chịu nhiều gian nan.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước