Nếu không tiến hành nạo vét, hồ Gươm sẽ thành đầm lầy

Minh Đức-Thứ ba, ngày 21/02/2017 09:02 GMT+7

VTV.vn - Theo GS.TS Mai Đình Yên, nếu không tiến hành cải tạo hồ Gươm, theo diễn thế sinh thái, hồ Gươm sẽ thành đầm lầy trong vài chục năm tới.

Trên địa bản TP Hà Nội có đến hàng trăm hồ nước lớn nhỏ, trong đó có hồ Gươm và hồ Tây là 2 hồ được nhiều người biết đến hơn cả. Chúng được cho là chiếm vai trò quan trọng trong việc mang lại cảnh quan trong lành, tươi mát cho người dân nội thành. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm các hồ nước tăng cao. Riêng tại hồ Gươm, môi trường nước của hồ đã bị ô nhiễm nặng nề, theo công bố mới đây của Công ty Thoát nước Hà Nội, độ PH của nước hồ luôn ở mức cao, hàm lượng BOD, COD gấp 2 lần so với quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, lòng hồ bị bồi lắng lớp bùn dày từ 0,4m đến 1,06m và có chứa nhiều kim loại nặng, ảnh hưởng đến môi trường sống của các sinh vật dưới hồ.

Trước thực trạng này, TP Hà Nội đã có dự kiến nạo vét bùn ở hồ Gươm, xử lý nước bằng chế phẩm Redocy-3C và bổ cập nước thường xuyên vào hồ.

Tuy nhiên, một số ý kiến các chuyên gia cho rằng, vì chế phẩm Redocy-3C mới chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm, nếu vội vàng đưa vào áp dụng cho hồ Gươm thì có thể sẽ phá vỡ hệ sinh thái hàng trăm năm nay tại hồ, đặc biệt là việc có thể khiến hồ Gươm mất đi tảo lục - thứ tảo lành tính chỉ có ở hồ Gươm.

Nếu không tiến hành nạo vét, hồ Gươm sẽ thành đầm lầy - Ảnh 1.

Việc cải tạo hồ Gươm đang nhận được sự quan tâm của dư luận và các nhà khoa học

Nói về việc nạo vét hồ Hoàn Kiếm, GS.TS Mai Đình Yên cho biết quan điểm: "Hồ Gươm trong nhiều năm qua đã bị ô nhiễm, bên cạnh đó là sự diễn thế sinh thái, bùn lắng động qua hàng chục năm sẽ khiến nước hồ nông dần, rồi từ từ sẽ thành đầm lầy nếu không nạo vét. Tuy nhiên, việc nạo vét hồ Gươm cần phải có sự tính toán cẩn thận vì có thể sẽ phá vỡ mất hệ sinh thái vốn có bao năm nay. Nếu chúng ta nạo vét hồ một cách cơ học, là tháo nước hồ đi, nạo bùn rồi lại thả nước vào thì sẽ làm mất đi những sinh vật đặc trưng của hồ. Tôi đã đề xuất trước khi tiến hành nạo vét hồ nên có nghiên cứu hiện trạng đa dạng sinh học để làm cơ sở đối chiếu, so sánh trong quá trình thực hiện".

GS.TS Mai Đình Yên cũng cho biết, từ trước đến nay đã có 3 lần hồ Gươm được tiến hành nạo vét. Lần nạo vét đầu tiên được diễn ra thủ công, lần nạo vét thứ 2 diễn ra tương đối cơ bản vì phát hiện cụ rùa đang sinh sống trong hồ, khi tiến hành cải tạo hồ tránh ảnh hưởng đến tập tục sinh sống của cụ rùa tại hồ Gươm. 

Đến năm 2009, việc nạo vét hồ Gươm lần thứ 3 đã được tiến hành bằng các loại máy móc tân tiến của Đức. "Tôi cho rằng, việc sử dụng máy móc của nước Đức trong lần nạo vét thứ 3 này là khả quan nhất. Hiện trạng đa dạng sinh học trong nước trước và sau khi nạo vét là như nhau, không có sự khác biệt. Máy nạo vét này hoạt động bằng cách gạt lớp bùn phía trên sang một bên rồi hút toàn bộ bùn tầng dưới lên, khi hút lên thì ép nước, trả lại nước cho hồ, còn bùn thì được đóng thành từng tảng khô rồi mang đi. Mặc dù phương pháp này vẫn giữ được hệ sinh thái trong môi trường nước nhưng nó lại tốn khá nhiều thời gian, không được nhanh chóng như các cách khác".

GS.TS Mai Đình Yên cho biết, nếu sử dụng phương pháp của Đức như trước đây thì sẽ phải mất ít nhất 8 năm mới có thể làm sạch được toàn bộ bùn lắng đọng ở đáy hồ. "Hiện các nhà khoa học chúng tôi vẫn hi vọng sẽ tìm được phương pháp làm sạch nước hồ một cách thích hợp nhất cỏ thể, để vừa làm sạch hồ mà vẫn giữ được hệ sinh thái quý của hồ". GS.TS Mai Đình Yên cho biết, giống tảo lục quý chỉ có ở hồ Gươm không chỉ khiến nước hồ có màu xanh lục mà còn là tảo lành, cá cũng có thể ăn được, nó kìm hãm sự phát triển của tảo lục - thứ tảo độc hại tại các ao hồ.

"Bản thân tôi đề xuất nên nạo vét từ từ, nạo vét từng phần theo từng giai đoạn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ", GS.TS Mai Đình Yên cho hay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước