Ngậm ngùi... ăn Tết xa quê

TH. Đồng Nai-Thứ ba, ngày 05/02/2013 14:54 GMT+7

Với số tiền lương ít ỏi nhiều người công nhân nghèo sẽ đành phải ăn Tết xa quê (Ảnh minh họa)

Năm 2012 kinh tế khó khăn, số tiền lương ít ỏi đã khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình công nhân nhất là người xa quê càng khó xoay sở. Trong niềm vui Tết đến, Xuân về người lao động xa quê lại mang nặng một nỗi niềm...

Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp cuối năm chuyện thưởng Tết lại là mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Năm 2012, tình hình kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Do đó, việc cân đối kinh phí để chi thưởng Tết cho công nhân là chuyện khá nan giải với không ít doanh nghiệp. Đáng ghi nhận là hầu hết các doanh nghiệp ở Đồng Nai đều có sự quan tâm chăm lo Tết cho người lao động. Tuy nhiên, giá cả tăng cao, thu nhập từ tiền lương, thưởng chưa nhiều khiến cuộc sống của anh chị em công nhân vẫn ở trong tình cảnh thiếu thốn trăm bề. Chính vì vậy, nhiều anh chị em công nhân có lẽ lại phải đón thêm một cái Tết xa quê.

Vợ chồng anh Đặng Văn Toản rời Nam Định vào Đồng Nai sinh sống và làm việc đã hơn 5 năm, 2 đứa con của anh chị phải gửi cho ông bà ở ngoài quê nuôi. Thu nhập của cả 2 vợ chồng hiện mới chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tết năm nay vợ chồng anh Toản đã định sẽ về đón Tết cùng gia đình và các con ở quê, nhưng dự định này có lẽ không thể trở thành thực hiện, với lý do lớn nhất là anh chị không có đủ tiền.

Anh Toản, công nhân KCN BH 2, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Năm nay tôi định về quê ăn Tết nhưng tình hình kinh tế khó khăn nên chắc không về. Cũng nhớ các con, nhớ gia đình lắm nhưng cũng đành chấp nhận thôi”.

Tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất nên ít tổ chức tăng ca, số tiền ít ỏi từ tiền lương khiến cuộc sống nhiều gia đình công nhân, nhất là anh chị em công nhân xa quê càng khó xoay sở. Với niềm vui chờ xuân đến, những người lao động xa quê lại mang nặng nỗi niềm.

Anh Huỳnh Văn Cường, Công ty Zamil Steel, KCN Amata, cho biết: “Giờ về ăn Tết tiền xe đắt quá, tôi không đủ tiền nên bắt buộc ở lại. Sang năm tùy điều kiện nếu tôi làm ăn khá hơn có thể về, nhưng nếu cứ tình hình như thế này chắc cũng không về được”.

Chăm lo Tết cho người lao động vừa là nghĩa cử, vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động và cần thiết phải có. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp giải thể, hoạt động cầm chừng, người lao động đành ngậm ngùi vì không nhận được bất cứ khoản nào.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước