Người đi tìm hình hài chữ Thái cổ

Thanh Loan - Hải Lộc-Thứ sáu, ngày 15/02/2013 08:30 GMT+7

Thầy giáo Hà Nam Ninh và một bức thư tịch Thái cổ. Ảnh: CAND

Tại Thanh Hóa, từ 20 năm qua đã có một người đi tiên phong khôi phục bộ chữ Thái cổ, đó là thầy giáo Hà Nam Ninh, Thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước.

Trước kia, chữ Thái cổ được người Thái sử dụng phổ biến trong sách vở cũng như các văn bản dùng trong đời sống. So với chữ Quốc ngữ, chữ Thái cổ khó học và khó viết hơn, nhưng khi được ông mình là thầy giáo Ninh truyền dạy, cậu bé Hà Minh Thành vẫn học rất say mê.

Hà Minh Thành, Học sinh trường THCS Dân tộc Nội trú Bá Thước nói: “Em thấy học chữ Thái cổ thì biết thêm được lịch sử và còn biết thêm cả phong tục tập quán của các bộ tộc người Thái, biết thêm nhiều bài hát và có nhiều danh lam thắng cảnh của dân tộc”.

Thầy Hà Nam Ninh đã nghiên cứu chữ Thái cổ từ hơn 20 năm nay, ban đầu thầy học từ già làng, sau cứ nghe nơi đâu còn lưu giữ văn tự cổ, thầy lại cất công tìm tới xin sưu tầm làm tư liệu nghiên cứu. Với nhiều người, việc khôi phục một bộ chữ đã không còn được sử dụng là một việc vừa tốn công, vừa vô ích, nhưng thầy Ninh lại nhìn thấy những giá trị riêng của bộ chữ này.

Thầy nói: “Tôi vận dụng kiến thức về ngữ âm học để nghiên cứu thì thấy chữ Thái là một loại chữ khoa học, phải nói là chữ ký âm ghép vần, cho nên là cũng có hệ thống nguyên âm phụ âm, bộ phận vần, tôi mới nảy sinh ý là mình đọc được, viết được thì phải truyền lại cho người khác để mọi người cùng biết, trước hết là gìn giữ bản sắc - cái vốn của dân tộc, thứ nữa là để đọc được sách cổ người xưa để lại”.

Những nỗ lực trong nghiên cứu và phổ biến chữ Thái cổ của thầy Ninh tới nay đã đạt được kết quả. Bộ chữ do thầy trực tiếp biên soạn được các nhà nghiên cứu đánh giá cao và được Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa áp dụng trong chương trình "Dạy tiếng dân tộc cho cán bộ công tác vùng cao". Chỉ tính riêng ở Thanh Hóa, hiện đã có hơn 1.000 người viết được chữ Thái, còn số người biết đọc thì nhiều. Nhờ có chữ Thái, nhịp cầu nối giữa chính quyền với bà con, thầy cô với học sinh cũng đã được xích lại gần nhau hơn.

Cô Hà Thị Thu, Hiệu phó trường PTTH Bá Thước 3, cho biết: “Trường này gần như 100% học sinh dân tộc Thái điều kiện rất khó khăn, các thầy cô giáo ở miền xuôi lên, nhưng mình là người Mường, còn học sinh lại là người Thái, các thầy cô học tiếng Thái để thâm nhập vào thực tế như là gần gũi với các em trong mọi hoạt động chỉ đạo”.

Sau thời gian nghiên cứu, thầy giáo Ninh lại dành thời gian để khơi dậy tình yêu với những thế hệ tương lai. Hy vọng với tâm huyết và những nỗ lực của thầy giáo Hà Nam Ninh, việc lưu giữ, phát triển chữ Thái, tiếng Thái sẽ lại được khơi dậy trong lòng mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để văn hóa dân tộc mãi trường tồn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước