Người Mẹ - Điểm tựa của Tổ quốc

Việt Cường-Thứ hai, ngày 26/04/2010 07:00 GMT+7

"Họ đã mất tích - nhưng không bao giờ bị quên lãng" là tựa đề của bài báo được viết sau khi một đoàn phóng viên Mỹ sang thăm Việt Nam để cố gắng cắt nghĩa vì sao Mỹ không thể thắng…

Họ gặp bà Hỷ, một người mẹ liệt sỹ. Đôi giày vải hoa, chiếc lã lót, mảnh gối có thêu tên Việt Dũng và cả những lá thư gửi cho cô bạn cùng lớp đã ở bên người mẹ gần hết một đời người, khiến họ xúc động.

Bà Phạm Kim Hỷ, Mẹ liệt sỹ Đào Việt Dũng: “Tôi nhớ mãi hình ảnh của Dũng trước ngày đi B. Thấy bố mẹ đến thăm, Dũng chạy ngược đoàn quân trong bộ quần áo giải phóng quân với mũ tai bèo, nét mặt hồng hào, rạng rỡ; giang hay tay rộng, ôm lấy bố mẹ, răng cười trắng lóa. Anh em đồng đội cũng cười, toàn những đứa mặt còn lông măng. Một cảnh tượng thật huy hoàng, không giờ phút nào quên. Đó là lần cuối cùng tôi gặp con”.

Năm 1975, trong giây phút hàng triệu người hân hoan đón mừng độc lập, mẹ nhận được tờ giấy bắt đầu bằng dòng chữ: “Chúng tôi rất thương tiếc báo tin …”. Chiến tranh kết thúc nhưng lại là sự khởi đầu cuộc hành trình đầy bi thương của hàng ngàn người mẹ trên đất nước Việt Nam: Hành trình tìm hài cốt của con.

35 năm sau, hành trình ấy chưa thể khép lại… và nỗi nhớ chỉ chạm được qua những lá thư ố vàng. Những nhà báo Mỹ, giờ thì có lẽ họ đã tìm được câu trả lời, tình yêu của một bà mẹ đã chiến thắng mọi thứ bom đạn của kẻ thù và tình yêu ấy chính là điểm tựa của Tổ quốc này.

Bà Phạm Kim Hỷ, Mẹ liệt sỹ Đào Việt Dũng: “Nhà báo Mỹ hỏi tôi: Bà nghĩ sao về các bà mẹ Mỹ. Tôi nói: Mẹ nào cũng là mẹ, con xót, con chết thì ruột đau. Chúng tôi thông cảm với các bà mẹ Mỹ có con phải nằm lại trên quê người. Còn chúng tôi, những bà mẹ Việt Nam, bên cạnh nỗi đau còn có lòng tự hào vì con trai mình đã đi chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc”.

Nghĩa trang Liệt sĩ Ngọc Hồi (Hà Nội) có một ngôi mộ ghi tên Liệt sĩ Đào Việt Dũng, hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Bên trong ngôi mộ ấy là một lọ gốm đựng những nắm đất hoặc viên đá mà mẹ Hỷ đã mang về sau mỗi lần đi tìm con.

Năm nay mẹ Hỷ đã 82 tuổi, đôi chân đã yếu đi nhiều. Không biết đến lúc nào mẹ sẽ đưa được anh về, để gửi lại cho anh tất cả những gì đã thuộc về anh. Tổ quốc này vẫn còn hàng ngàn lời ru vang vọng đâu đây giữa những âm thanh ồn ã của cuộc sống...

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước