Người thi hành công vụ được nổ súng: Quy định không rõ ràng

CSTN-Thứ sáu, ngày 15/03/2013 11:46 GMT+7

GS. TS Luật, Đỗ Ngọc Quang trả lời PV chương trình Cuộc sống thường ngày (Ảnh: VTV News)

Đây là ý kiến của GS. TS Luật, Đỗ Ngọc Quang, Nguyên Phó viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược bộ Công an, Ủy viên chuyên trách ủy ban Quốc phòng, An ninh Quốc hội khóa XI về những vấn đề xung quanh dự thảo Nghị định mới của bộ Công an.

Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo Nghị định để trình Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo bộ Công an, thời gian vừa qua, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra phức tạp, với mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Các đối tượng ngày càng manh động gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người thi hành hành công vụ.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã giao cho bộ Công an soạn thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ.

Một Nghị định về an toàn cho người thi hành công vụ là cần thiết, nhưng trong bản dự thảo với 30 điều vừa được bộ Công an soạn thảo và được đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, có một điều khoản gây ra nhiều ý kiến đó là khoản 2 điều 18 quy định: Người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm nếu thấy có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Chương trình Cuộc sống thường ngày, đã có cuộc trao đổi với GS. TS Luật, Đỗ Ngọc Quang, Nguyên Phó viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược bộ Công an, Ủy viên chuyên trách ủy ban Quốc phòng, An ninh Quốc hội khóa XI, về những vấn đề xung quanh dự thảo Nghị định mới của bộ Công an.

BTV:Trong khoản 2 điều 18 của Nghị định có quy định: Người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm nếu thấy có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều gây nhiều ý kiến ở đây là chữ “có dấu hiệu” khiến người dư luận lo lắng liệu có xảy ra tình trạng lạm quyền hay không, "có dấu hiệu” là điều khá mơ hồ.

GS. TS Luật, Đỗ Ngọc Quang: Theo quan điểm của tôi, việc quy định ở khoản 2 điều 18 liên quan đến việc cho phép nổ súng khi có dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, việc quy định như vậy là không rõ ràng. Sự không rõ ràng thể hiện ở việc những người thi hành công vụ thường có thể là những người mới học trung cấp hoặc sơ cấp công an mới ra trường, hoặc nhiều người không nắm được pháp luật, khi không nắm được pháp luật hình sự thì làm sao có thể xác định được một hành vi xảy ra có dấu hiệu ít nghiêm trọng, hoặc nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Lúc này, họ chỉ có thể xử lý hành vi theo ý thức chủ quan của mình, họ cho đó là nguy hiểm nên họ nổ súng, thì quy định như vậy theo tôi nghĩ đánh đố đối với người thi hành công vụ.

Họ không thể xác định được hành vi như vậy có dấu hiệu như thế nào, thậm chí đối với điều tra viên của cơ quan điều tra, muốn xác định được hành vi có dấu hiệu ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cũng phải qua một thời gian điều tra nhất định mới có thể xác định được là dấu hiệu đó như thế nào để có quyền nổ súng hay không nổ súng.

Mặt khác, nếu xác định đó là tội phạm nghiêm trọng, ít nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì khi đưa đi xét xử… Tôi lấy ví dụ đặc biệt nghiêm trọng tòa án chỉ có thể tuyên án 15 năm tù là cao nhất, nghiêm trọng là 7 năm tù. Vậy tại sao xác định nghiêm trọng, rất nghiêm trọng lại có thể nổ súng được.

Riêng đối với một số đối tượng tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác thì tòa cũng không có quyền áp dụng biện pháp tử hình đối với họ. Vì vậy, quy định như thế sẽ rất khó có thể áp dụng trong thực tế đối với những người đang thi hành công vụ hiện nay.

Để theo dõi toàn bộ cuộc trao đối với GS. TS Luật, Đỗ Ngọc Quang, mời quý vị theo dõi Video tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước