Nguy cơ nhiễm cúm khi cán bộ “tay không” bắt gia cầm

Huyền Trang-Thứ bảy, ngày 04/05/2013 11:20 GMT+7

Ảnh minh họa.

 Mặc dù lực lượng chức năng được cấp trang thiết bị bảo hộ để phòng chống cúm gia cầm khi làm nhiệm vụ ngăn chặn gà nhập lậu, tuy nhiên nguy cơ nhiễm cúm đối với cán bộ chiến sĩ lực lượng liên ngành vẫn rất cao.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chỉ tính từ đầu năm đến nay với sự kiên quyết vào cuộc trong việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu vào nội địa, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 250 vụ vận chuyển gia cầm nhập lậu, phạt hành chính gần 100 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy gần 60 tấn gà thịt và trên 140.000 gà vịt con giống. Con số này bằng với số lượng gia cầm bị tịch thu tiêu hủy của cả năm 2012.

Với số lượng gia cầm nhập lậu có xuất xứ từ Trung Quốc bị bắt giữ lớn như vậy, ai có thể khẳng định rằng trong số những lô hàng đó không có những con gia cầm đã bị nhiễm bệnh cúm?

Hiện nay, hầu hết các lực lượng chức năng tham gia ngăn chặn gia cầm nhập lậu đều đã được cấp phát đồ bảo hộ chống lây nhiễm cúm như: Quần áo liền thân, găng tay, khẩu trang. Tuy nhiên, trên thực tế những đồ bảo hộ này chỉ có thể dùng khi lực lượng chức năng đưa gia cầm bắt giữ được đem tiêu hủy, còn khi mật phục tổ chức bắt gia cầm nhập lậu vận chuyển vào nội địa sẽ không thể sử dụng, bởi nhiều nguyên nhân khách quan.

Kể từ khi nước bạn Trung Quốc phát hiện trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm chủng virus cúm gia cầm H7N9 có thể gây tử vong cao cho người bị nhiễm vào thời điểm cuối tháng 3, thực hiện nghiêm chỉnh Công điện của Thủ tướng Chính phủ tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm qua biên giới. Tại Lạng Sơn, trong những ngày gần đây, hầu như không còn gia cầm nhập lậu thẩm thấu vào nội địa. Tuy nhiên, đối với lực lượng Bộ đội Biên Phòng chốt chặn trên tuyến biên giới 24/24 giờ, nguy cơ có thể lây nhiễm các chủng cúm từ gia cầm, trong đó có thể có chủng cúm nguy hiểm H7N9 vẫn rất cao.

Do siêu lợi nhuận từ gà nhập lậu, nên các chủ đầu nậu vẫn cố tình tìm mọi thủ đoạn, mọi phương cách xảo quyệt để tuồn gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào nội địa, bất chấp mọi sự cảnh báo của các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của chủng cúm H7N9.

Biết rõ nguy hiểm, nhưng nhiệm vụ được giao phải hoàn thành là trách nhiệm của mỗi cán bộ chiến sĩ trên mặt trận chống buôn lậu nói chung và gia cầm nhập lậu nói riêng. Vì vậy, trước khi có những trang thiết bị phù hợp chống nguy cơ lây nhiễm cúm từ gia cầm nhập lậu, cán bộ chiến sĩ cũng cần ý thức rõ trong việc tự bảo vệ mình bằng cách nên đeo khẩu trang, vệ sinh cơ thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, mỗi cán bộ chiến sĩ cũng cần chú ý đến những biểu hiện khác thường của cơ thể để có những biện pháp xử lý kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm các chủng cúm gia cầm cho bản thân và cộng đồng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước