Nhà đầu tư chiến lược hay đầu tư tài chính?

Minh Hường-Thứ sáu, ngày 29/07/2011 11:30 GMT+7

Cách đây 6 năm, Ngân hàng Thương mại Việt Nam đầu tiên đã bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Cho đến nay, số lượng ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài đã lên tới gần hai chục ngân hàng.

Nhân thương vụ đàm phán của Mizuho mua 15% cổ phần của Vietcombank sắp ngã ngũ, đang là thời điểm hợp lý để nhìn lại về vai trò của các đối tác nước ngoài trong các ngân hàng VN thời gian qua. Nên gọi họ là nhà đầu tư chiến lược hay đầu tư tài chính?

Một ngân hàng Việt Nam chọn chiến lược phát triển theo hướng bán lẻ. Một ngân hàng nước ngoài có đến cả trăm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ. Sự tương đồng về chiến lược là một lí do quan trọng tạo ra mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Techcombank và HSBC, ngân hàng nước ngoài hiện nắm 20% cổ phần của Techcombank.

Cũng không thể phủ nhận là, với sự tham gia của đối tác ngoại, diện mạo và thị phần của Techcombank đã có sự thay đổi tích cực hơn trong vài năm qua.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch điều hành cao cấp của ngân hàng nhận định sự hợp tác của hai đối tác khác nhau về trình độ phát triển không hề đơn giản. Điểm cốt lõi để ngân hàng này có thể học hỏi kinh nghiệm từ đối tác nước ngoài là mức độ cam kết từ cả hai phía, đặc biệt sự coi trọng thể hiện từ cấp lãnh đạo cao nhất.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch điều hành cao cấp, Ngân hàng Techcombank: “Sự e ngại một ngân hàng nước ngoài tham gia vào ngân hàng trong nước phải được loại bỏ. Dù muốn, dù không, chúng ta phải mở cửa”.

Khi các ngân hàng gặp nhau ở chiến lược và trao đổi thẳng thắn ở cấp cao nhất, thì điều đó khiến cho sự cởi mở trong quan hệ hợp tác sẽ cao hơn. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nội và đối tác ngoại lúc nào cũng tạo ra được một sự hòa hợp và gắn kết như vậy. Một số ngân hàng đã có đối tác chiến lược nước ngoài được 5, 6 năm, nhưng không có dấu ấn gì đáng kể.

Chuyên gia tài chính Quách Mạnh Hào cho rằng, khi đó, sự rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài chưa hẳn là đầu tư chiến lược, mà chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính.

TS.Quách Mạnh Hào, PTGĐ Công ty chứng khoán Thăng Long: “Thực sự khi một NĐT chiến lược vào một DN trong nước, ngân hàng trong nước, tư duy của họ là tư duy của NĐT chiến lược. Nhưng thực tế cho thấy, với sự không đóng góp được nhiều trong quản lý, sự thể hiện ra bên ngoài lại là đầu tư tài chính”.

Lí giải cho điều này, ông Hào nhận định, mua cổ phần của ngân hàng trong nước nhiều khi chỉ mang tính “giữ chỗ” khi cơ hội mua cổ phiếu giá phải chăng không phải lúc nào cũng sẵn có.

Cũng theo TS.Quách Mạnh Hào: Quan trọng hơn, bản thân ngân hàng, DN lớn ở VN, sự thay đổi mô hình quản trị chưa kịp với sự thay đổi về vốn. Nói cách khác, các cổ đông lớn đang có sự chi phối và các NĐT nước ngoài có cổ phần thường từ 10 đến 20% thì chưa đủ quyền chi phối hoạt động của ngân hàng.

Tháng 7 này, đã có liên tiếp 2 ngân hàng trong nước nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tà 15% lên 20% là Ngân hàng Quốc tế và Ngân hàng Phương Đông.

Nhiều chuyên gia tài chính kỳ vọng tỷ lệ sở hữu cao hơn này, đồng nghĩa với quyền lợi gắn chặt hơn sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài từng bước phát huy tốt hơn vai trò là cổ đông chiến lược của mình.

Tham gia xây dựng và gánh vác các chiến lược quan trọng của ngân hàng hay đơn thuần chỉ góp vốn? Câu trả lời phụ thuộc vào cả hai phía: Ngân hàng trong nước và đối tác nước ngoài. Có điều, miếng bánh thị phần ngân hàng VN còn khá dồi dào, ngân hàng nào mở cửa đúng lúc, mời được đối tác phù hợp, sẽ có lợi thế đi tắt đón đầu, dành thị phần xứng đáng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước