“Nhật ký trong tù” - Tầm vóc trong thơ ca Việt Nam thời hiện đại

Ngọc Hà -Thứ sáu, ngày 06/09/2013 20:31 GMT+7

 Trên hành trình 50 năm viết qua rất nhiều thể loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại 2 “tượng đài” kề sát nhau, đó là Nhật ký trong tù và Tuyên ngôn độc lập.

Nhân kỷ niệm 70 năm tác phẩm Nhật ký trong tù, một hội thảo khoa học do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức sáng 6/9 tại Hà Nội thêm một lần nữa khẳng định giá trị to lớn về tư tưởng, nghệ thuật, tính nhân văn và sức sống lâu bền của Nhật ký trong tù.

Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các nhà văn, nhà nghiên cứu làm thế nào để tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị và ảnh hưởng to lớn của tác phẩm trong việc giáo dục, cổ vũ mọi người hăng hái thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng nền tảng đạo đức trong Đảng và trong toàn xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó góp phần đấu tranh chống những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác phẩm Nhật ký trong tù.

‘ Xem triển lãm “Nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc về tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Hơn 30 tham luận tại hội thảo là những góc nhìn, những phát hiện mới trong nghiên cứu về thơ Hồ Chí Minh, song tựu trung lại, các tham luận đều gặp nhau ở một điểm, đó là sự khẳng định những giá trị trường tồn của tập thơ Nhật ký trong tù - một tác phẩm có tầm vóc trong thơ ca Việt Nam thời hiện đại. Trong đó, cách mạng và nhân dân luôn ở vị trí tối thượng.

Giáo sư Hà Minh Đức, Nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam phát biểu: “Ngay trong tù, tấm lòng sâu nặng với đất nước của Bác, theo tôi cũng có những giá trị để mọi người tiếp nhận. Tôi cho rằng, lòng yêu nước là điểm xuyên suốt trong toàn bộ cuộc đời của Người và không chỉ yêu nước bằng lý thuyết, mà yêu nước bằng hành động, bằng tham gia đấu tranh như trong nhật ký có câu “sót mình giam hãm trong tù ngục, chưa được xông ra giữa trận tiền”.

Giáo sư Phong Lê, Nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam cho rằng: “Nhật ký trong tù là bức chân dung tự họa sâu sắc nhất về Bác, Bác không giấu giếm cả những phút yếu lòng, Bác không giấu giếm cả những điều bi quan. Tất cả những điều gì về con người Bác, Bác đều nói hết cả. Đó là người tù, một nhà cách mạng khao khát tự do. Tác phẩm ấy kết tụ 2 khát vọng lớn nhất là khát vọng Tự do ở Nhật ký trong tù và khát vọng Độc lập cho dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập. Độc lập và Tự do là hai nguyện vọng khẩn thiết nhất mà Bác luôn mong mỏi”.

Bàn về những giá trị của Nhật ký trong tù với câu chuyện thời sự hiện nay, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, có nhiều điều mà các thế hệ sau này có thể học từ con người Hồ Chí Minh, đó là ý chí, là nghị lực phi thường trong hoàn cảnh éo le nhất.

Nhật ký trong tù dịch từ tiếng Hán là “Ngục trung nhật ký” gồm 134 bài thơ bằng chữ Hán được Bác viết trong hơn 1 năm bị giam cầm trong các nhà lao thuộc Quảng Tây, Trung Quốc từ năm 1942 đến 10/9/1943. Người bị bắt khi trên đường sang Trung Quốc để vận động quốc tế ủng hộ Cách mạng Việt Nam nhưng đã bị chính quyền địa phương của chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ vì bị nghi là gián điệp. Tập nhật ký viết theo thể thơ Đường chẳng những là một văn kiện lịch sử vô giá, mà còn là một tác phẩm văn học lớn. (Dù rằng, chưa bao giờ Người nhận mình là nhà thơ).

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước