Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa: "Hạnh phúc không chỉ đến từ giàu có"

Yến Anh (ghi)-Thứ ba, ngày 16/04/2013 10:49 GMT+7

Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa tại buổi giao lưu

  Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa vừa có buổi tọa đàm thẳng thắn về sống nhân ái và hành động hướng thiện cùng các học sinh, phụ huynh cũng như các chuyên gia tâm lý giáo dục trong chuyến viếng thăm Việt Nam của ông. Buổi tọa đàm được Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội tổ chức với sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Bạo lực học đường xuất hiện ngày càng nhiều hơn, thưa Nhiếp chính vương, dưới góc nhìn của Phật giáo vì sao có tình trạng này, và cách tiếp cận của Phật giáo để giải quyết vấn đề này là gì?

Những bạo động của chúng ta đều xuất hiện từ tức giận, và tức giận ấy bắt nguồn từ sự sợ hãi, sợ hãi bắt nguồn từ việc chúng ta thiếu tự tin, thiếu sự hiểu biết. Trong những gia đình, cha mẹ sống không hòa thuận thường xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn, hình ảnh cha mẹ sống như vậy đã ảnh hưởng tới tâm lý của các cháu, cha mẹ li dị khiến cho các cháu thiếu đi sự giáo dục. Đa phần hành vi bạo động đều đến từ những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, cha mẹ không hòa thuận hoặc li dị… Như vậy, nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo động của các cháu chính là do các cháu thiếu đi sự giáo dục giá trị. Vì thiếu đi sự hiểu biết mà tâm các cháu bị đóng chặt, không mở rộng để có tình thương, sự tha thứ, sự cảm thông. Chính vì lý do thiếu sự hiểu biết này đã dẫn đến hành xử bạo động.

Bên cạnh đó, còn có nhân tố khác, có thể cách giáo dục của chúng ta đôi khi ép buộc các cháu nghe lời người lớn. Chính cách ép buộc đó khiến các cháu không thực sự hiểu, vì nghe lời mà theo cách bắt buộc đó. Điều đó đã in vào trong tâm các cháu. Khi ra ngoài cộng đồng, các cháu bắt đầu thể hiện những bạo lực để ép buộc người khác phải nghe lời của mình. Đây có thể là nhân tố thứ hai.

Sự bạo hành này khiến chúng ta liên hệ với thế giới hiện đại, thế giới của sự phát triển. Vì cuộc sống càng phát triển, thì bạo hành có một sự liên hệ và cũng bị phát triển theo. Đất nước Bhutan là đất nước hòa bình từ trước đến nay, nhưng hiện tại cũng đang phát triển theo xu hướng xã hội, tình trạng bạo hành cũng dần xuất hiện. Bởi vậy, xã hội phát triển mà thiếu đi phần căn bản từ giáo dục thì bạo hành cũng phát triển theo. Đây là một mối liên hệ giữa bạo hành và thế giới hiện đại.

Vậy có nghĩa việc chúng ta chạy theo sự phát triển hiện đại cũng có nghĩa là dần phát triển tâm tham của mình và sự bạo hành cũng gắn liền theo đó?

Theo tôi, trong thế giới hiện đại, các bậc phụ huynh vất vả cố gắng để cho con mình có được sự giáo dục tốt nhất, tìm cách xoay xở tìm cho con mình những trường học tốt nhất ở Mỹ, Anh, thế nhưng điều đó chưa đủ bởi chúng ta cho con mình rất nhiều điều kiện để phát triển nhưng chúng ta lại quên mất việc dành cho con cái thời gian để chúng ta chăm sóc, gần gũi. Chúng ta quên việc dành thời gian để bày tỏ tình yêu thương, sự quan tâm đến với chúng. Gửi cho các cháu những điều kiện học tập tốt nhất nhưng các cháu lại không hiểu được cách sống trở thành một người tốt, thành người có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội, sống trở thành một người có tình yêu thương. Nên tôi nghĩ rằng, chúng ta cũng cần xem xét lại cách gửi con mình đi học những trường tốt nhất chưa phải là cách tốt nhất để đào luyện cho các cháu trở thành những người trưởng thành, có đạo đức.

Đối với giới trẻ hiện nay, cần nhắc nhở để các cháu biết rằng hạnh phúc không chỉ đến từ sự thành công, giàu có, địa vị, quyền lực mà đến từ rất nhiều nhân tố khác nhau, trong đó có một nhân tố rất quan trọng đó là sự an bình của nội tâm. Sự an bình của nội tâm trong đạo Phật được gọi là thực hành giáo pháp. Đó có thể là sự thực hành thông qua sự thực tập về thiền định, tụng niệm. Sự an bình đó đóng góp một phần quan trọng cho nền tảng của hạnh phúc, điều này chúng ta cũng nên nhắc nhở để các cháu nhận định được. Không tạo áp lực khiến các cháu phấn đấu trở thành một thần tượng nào đó viển vông không thực tế mà nên gợi cho các cháu cách nhận ra vấn đề, chỉ ra phương pháp giúp các cháu có thể cân bằng được sự phát triển về vật chất, kiến thức cùng với sự phát triển của tâm hồn.

Thưa Nhiếp Chính Vương, Ngài có thể chia sẻ về cách tiếp cận của Đạo Phật với sự nghiệp giáo dục và phát triển, hoàn thiện nhân cách trong xã hội?

Trong đạo Phật, giáo dục không chỉ là việc trao truyền kiến thức một cách thụ động mà là phương pháp giúp mỗi người trở thành những con người hoàn hảo, sống tốt để bản thân có cuộc sống tốt, có khả năng giúp đỡ, đem sự bình an đến tất cả mọi người.

Ví dụ có người hỏi tôi rằng: đối với cái nhìn của đạo Phật, vấn đề về truyền thông internet, facebook là tốt hay xấu? Tôi đã trả lời có cả tốt và xấu. Tốt hay xấu hoàn toàn phụ thuộc vào động cơ của người thực hành, sử dụng internet, facebook. Nếu chúng ta có động cơ tốt, thì internet và facebook sẽ đem lại những lợi ích thiết thực, nếu chúng ta có động cơ xấu thì những cái đó sẽ phá hủy hoàn toàn những nền tảng căn bản về văn hóa và đạo đức của chúng ta. Vì vây, tốt hay xấu phụ thuộc vào động cơ của những người sử dụng nó.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, với sự phát triển của khoa học, văn minh, con người biết rất nhiều thứ từ thế giới bên ngoài, nhưng lại chưa hề biết mình là ai, hoàn toàn chưa thể nhận ra chính bản thân mình. Thế nên, khi khổ đau ập tới, chúng ta rất lúng túng, chưa biết cách nào để giải quyết những khổ đau mà chúng ta đang phải đối diện. Chúng ta chưa biết cách sống để có thể chia sẻ, giúp đỡ tất cả mọi người, chưa biết cách sống trọn vẹn, có ý nghĩa. Như vậy, những kiến thức của khoa học hiện đại rất cần thiết, nhưng chưa hẳn là cách giúp chúng ta có được đời sống thật sự có ý nghĩa, bình an, hạnh phúc. Những kiến thức đó mới chỉ nằm trên bề mặt của kiến thức thôi.

Ở Bhutan, điều chúng tôi tập trung vào là những khía cạnh về hạnh phúc. Chúng ta nên hiểu rằng bản chất của hạnh phúc không phải có được từ cá nhân mình. Chúng ta muốn hạnh phúc, và hạnh phúc ấy được đến từ gia đình, xã hội, môi trường. Và hạnh phúc chân thật phụ thuộc vào những gì xung quanh chúng ta. Mình hạnh phúc thì gia đình hạnh phúc, xã hội phải có những điều kiện của hạnh phúc. Như vậy, hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào cái chung, vào mọi người, vì vậy chúng ta cần giáo dục lớp trẻ thanh thiếu niên hiểu rằng bản chất của hạnh phúc là làm cho xã hội, người thân có được hạnh phúc. Hạnh phúc ấy hoàn toàn có sự liên hệ mật thiết với nhau để tồn tại, chứ không phải chỉ khư khư nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình.

Theo Nhiếp Chính Vương nhà trường và gia đình cần làm gì để tránh được tình trạng bạo lực học đường đang ngày một lan rộng?

Chúng ta cần nghĩ rằng chúng ta đang đón nhận sự giáo dục trong tất cả mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ khi chúng ta xem tivi, mạng… như vậy chúng ta cũng đang đón nhận những bài học giáo dục từ tivi, mạng… Không chỉ bài học ở trường mới là giáo dục mà giáo dục trong gia đình là vô cùng quan trọng. Khi đến trường học, các cháu được dạy phải ngoan, hiền, hiếu thảo, biết tha thứ, biết cảm thông… nhưng khi về nhà các cháu sẽ được áp dụng học bài học đó trên thực tế, từ cách các cháu nhìn những hành xử từ cha mẹ của mình. Cha mẹ đối xử với nhau như thế nào, nói năng như thế nào, tất cả những hành xử của người lớn thể hiện đối với xã hội sẽ in vào tâm tưởng các cháu. Đôi khi bởi cách hành xử không đúng đắn của người lớn khiến các cháu thấy bài học ở trường không giống với những gì các cháu nhìn thấy trong thực tế, và kết quả các cháu sẽ nghĩ những bài học ở trường chỉ là lý thuyết, để nghiên cứu chứ không thiết thực trong đời sống. Bởi vậy, cách hành xử của cha mẹ chiếm vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục các cháu trở thành những con người hoàn thiện. Sự giáo dục trên vô tuyến, internet.. cũng quan trọng.

Nếu có những lời nhắn nhủ, chia sẻ, Ngài sẽ gửi lời nhắn nhủ gì gửi tới thanh thiếu niên?

Tôi mong nguyện rằng, các cháu thanh thiếu niên sẽ học và biết cách thực hành để nhận ra được giá trị của cuộc sống từ trường học, những bài học từ cuộc sống sẽ giúp các cháu hiểu được sống thế nào. Chúng ta cần ý thức được rằng mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động của chúng ta đều có thể làm cho thế giới thay đổi. Ảnh hưởng của mỗi cá nhân sẽ làm ảnh hưởng đến toàn xã hội, bởi vậy cần nhận ra được trách nhiệm của mình đối với cuộc sống, môi trường, xã hội để chúng ta thay đổi cuộc sống. Chúng ta đừng mong cuộc sống thay đổi mà chính bản thân mình, tư tưởng, hành động, lời nói của mình bằng động cơ và những thiện hạnh thực sự sẽ làm thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tôi mong rằng thế hệ trẻ sẽ không phải sống với những áp lực luôn luôn nghĩ mình sẽ trở thành một người thành công hay có địa vị cao trong xã hội. Nếu chúng ta luôn đem áp lực, tư tưởng như vậy thì có thể gây nên sự bất an, bế tắc và cuộc sống sẽ trở nên nặng nề, khó khăn. Chúng ta phải biết rằng mọi điều trong cuộc sống sẽ đến bằng nỗ lực của chính mình, đồng thời biết bằng lòng với những gì mình có thể đạt được.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước