Nhìn lại Kỳ họp thứ 3, QH khóa XIV: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhận nhiều chất vấn về vấn đề hiệu quả đầu tư công

VTV News-Thứ tư, ngày 28/06/2017 12:00 GMT+7

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

VTV.vn - Vấn đề hiệu quả quản lý đầu tư công đã được các đại biểu liên tục chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ở Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

LTS. Sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, sáng 21/6, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành bế mạc Kỳ họp thứ 3 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động, các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực thảo luận, tranh luận, đóng góp nhiều ý kiến trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Sau kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp xúc cử tri để báo cáo về kết quả của kỳ họp. VTV News xin điểm lại một số vấn đề nóng thu hút nhiều đại biểu tham gia hỏi và tranh luận trong các phiên chất vấn ngày 13-15/6.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là người thứ tư đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Đây là nhóm vấn đề rất rộng, liên quan tới nhiều Bộ ngành, địa phương.

Trong lĩnh vực mình phụ trách, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được nhiều câu hỏi chất vấn và tranh luận xung quanh vấn đề phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công cũng như trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia...

Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng được đánh giá đã nghiêm túc làm rõ trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực phụ trách. Tuy nhiên, việc trả lời chất vấn còn có một số nội dung chưa rõ, chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu Quốc hội nên có nhiều đại biểu Quốc hội đã tham gia tranh luận.

Đặc biệt vấn đề hiệu quả quản lý đầu tư công đã được các đại biểu liên tục chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, tình trạng phân bổ vốn dàn trải vẫn còn, nhiều dự án bố trí vốn thấp, kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến chậm phát huy hiệu quả đầu tư và đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng nhiều dự án có hiệu quả đầu tư thấp.

Nhìn lại Kỳ họp thứ 3, QH khóa XIV: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhận nhiều chất vấn về vấn đề hiệu quả đầu tư công - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về giải pháp khắc phục tình trạng nhiều dự án có hiệu quả đầu tư thấp (Ảnh: NDH)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Luật đầu tư công đã được ban hành nhằm giảm đầu tư dàn trải từ chọn lựa dự án đến quy hoạch dự án. Trên thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng vẫn còn nhiều dự án bố trí không được tập trung. Do nhu cầu đầu tư, phát triển từng ngành, địa phương trong 5 năm là rất lớn nhưng khả năng thu xếp vốn thấp hơn, nên việc bố trí, phân bổ đầu tư chưa được tập trung khiến hiệu quả đầu tư còn thấp.

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tiếp tục triển khai đồng bộ chủ trương và định hướng về tái cơ cấu đầu tư. Đây cũng là trọng tâm theo nghị quyết quốc hội và của trung ương.

Thứ hai, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật, triển khai đồng bộ các quy định này và hoàn thiện về các tiêu chuẩn định mức về xây dựng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các tiêu chuẩn, định mức hiện vẫn chưa sát với thực tế khiến hiệu quả vẫn chưa tốt.

Về yếu tố quy hoạch, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Yếu tố quy hoạch có ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư và hiệu quả đầu tư. Cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát với tất cả các khâu để đảm bảo quyết định lựa chọn đầu tư, đảm bảo các quyết định đầu tư, khả năng phát triển, thu xếp vốn của từng dự án. Phải hoàn thiện dự án nhưng không làm kéo dài khiến không phát huy được hiệu quả của dự án".

Đại biểu Phạm Đình Cúc cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết nguyên nhân của việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm thường chậm, dẫn đến việc giải ngân chậm, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư lý giải, việc giải ngân vốn hàng năm đã được quy định rõ trong Luật đầu tư công nhưng do đây là năm đầu tiên thực hiện luật đầu tư công với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ các dự án nên việc thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn: "Theo Luật đầu tư công, quy trình được thiết kế nhiều hơn, chặt chẽ hơn, các bước và các cơ quan tham gia được lồng ghép nhiều hơn. Với mục tiêu đó, thủ tục phức tạp hơn nên việc thực hiện thủ tục mới theo luật hiện hành của địa phương vẫn còn lúng túng trong thời gian đầu".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công: "Trách nhiệm của trung ương, trong đó có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và đầu tư là chưa kịp thời. Từ nhu cầu lớn, khả năng thu xếp, cân đối vốn còn hạn chế, mất cân đối nên việc co kéo, điều chỉnh các phương án khác nhau dẫn đến việc giải ngân chậm hơn so với thực tế, từ đó ảnh hưởng một phần đến giải ngân và hiệu quả của dự án".

"Chúng tôi cũng tự nhận đã chưa cương quyết, còn nể nang trong việc yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc quy định của luật đầu tư cũng như các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi thấy rằng, khó khăn, nhu cầu của các địa phương còn rất lớn nhưng khả năng bố trí chưa phù hợp nên các phương án được lặp đi lặp lại, chất lượng cũng không được tốt. Chúng tôi cũng chưa nghiêm túc khi chia sẻ khó khăn với các địa phương nhiều hơn và xin hứa với Quốc hội sẽ thực hiện nghiêm túc Luật đầu tư công nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi để các bộ ngành địa phương thực hiện nhiệm vụ của mình", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thừa nhận vẫn chưa cương quyết, còn nể nang các địa phương khiến giải ngân chậm

Sang phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vào sáng 15/6, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự không đồng tình với cách trả lời của Bộ trưởng về hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý đầu tư công. Một số đại biểu cho biết, từ khi triển khai Luật Đầu tư công, có nhiều vướng mắc không giải ngân được vốn, trong năm 2016 không có công trình xây dựng cơ bản lớn được khởi công, ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) đã chất vấn Bộ trưởng về những vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công hiện nay, đặc biệt là trong các thủ tục, trình tự cũng như các giải pháp xử lý các vướng mắc này.

Đáp lại câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ khi triển khai Luật Đầu tư công đến nay, công tác quản lý nhà nước về đầu tư công đã đạt được kết quả tích cực. Tất cả các khâu đều được kiểm soát chặt chẽ từ lập dự án, giao vốn, giám sát quá trình thực hiện. Các Bộ ngành địa phương cũng đã được chủ động hơn trong lập và đề xuất dự án.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong triển khai Luật Đầu tư công vừa qua, Bộ trưởng cũng đồng tình với nhiều đại biểu và cử tri về nhiều mặt hạn chế, tồn tại.

Vị trưởng ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật hiện nay còn quy định có nhiều nội dung mới nên một số cơ quan, đơn vị chưa nắm thật chắc và nhận thức một cách đầy đủ những yêu cầu, mục tiêu và quan điểm của luật cũng như những quy định của luật, các nghị định hướng dẫn thi hành. Vì vậy, trong triển khai, thực hiện thực tế còn lúng túng và chưa phù hợp, đề xuất một số nội dung chưa đúng với các quy định của pháp luật và đôi khi trái với thẩm quyền của mình.

"Một số vướng mắc về thủ tục hiện nay còn phức tạp, chồng chéo và chưa hiểu rõ, tôi đã có một kế hoạch và báo cáo với Chính phủ sắp tới sẽ rà soát lại toàn bộ các nghị định hướng dẫn. Nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì chúng tôi sẽ báo cáo để sửa đổi lại Nghị định 136, 15 và các nghị định liên quan để làm sao công tác quản lý của chúng ta chặt chẽ nhưng đảm bảo thuận lợi và dễ thực hiện...", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Đình Gia.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, vướng mắc trong đầu tư công do luật có nhiều nội dung mới nên việc thực hiện thực tế còn lúng túng và chưa phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ)- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vẫn chưa thỏa mãn với phần trả lời trên của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, việc đổ lỗi là do Luật Đầu tư công mới triển khai hay vướng mắc do thủ tục đầu tư không hoàn toàn thuyết phục. Các dự án khởi công mới chỉ được ghi vốn khi có quyết định đầu tư từ năm trước, các dự án chuyển tiếp cơ bản đã có thủ tục đầu tư, các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng hoặc vướng mắc khác không giải ngân được thì có thể chuyển vốn sang dự án khác. Vốn ODA có đủ cam kết với nhà tài trợ và tiến độ giải ngân thì không thể thiếu so với dự toán.

"Vậy tại sao phân bổ vốn và giải ngân vốn chậm? Tại sao vốn ODA luôn luôn thiếu dự toán? Nhu cầu đầu tư lớn hơn nguồn vốn không phải ở Việt Nam mà quốc gia nào cũng thế. Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định thứ tự ưu tiên nên nếu tuân thủ thì chắc chắn bố trí vốn không dàn trải. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân gốc rễ của thực trạng này. Có phải vẫn tồn tại cơ chế xin cho nên mất thời gian thống nhất tổng số vốn và danh mục phân bổ hay không? Xin cho nên phân bổ chậm, bố trí vốn dàn trải, thiếu dự toán ODA? Có phải Bộ tham gia quá sâu vào quá trình phân bổ nên ách tắc trong đầu tư hay không?", đại biểu Hoàng Quang Hàm đặt ra hàng loạt câu hỏi cho vị trưởng ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Nhìn lại Kỳ họp thứ 3, QH khóa XIV: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhận nhiều chất vấn về vấn đề hiệu quả đầu tư công - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm đặt nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT.

Đáp lại câu hỏi của đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Về các dự án ODA luôn thiếu vốn, theo quy định, các dự án ODA trước đây luôn giải ngân theo tiến độ thực tế thực hiện dự án và cam kết của nhà tài trợ. Tuy nhiên, theo quy định mới, phải xây dựng kế hoạch và tất cả phải đưa vào kế hoạch. Trong thời gian vừa qua, một số Bộ ngành và địa phương thực sự chưa quan tâm đến vấn đề này và chưa nắm rõ nên trong quá trình xây dựng kế hoạch của mình cũng chưa đưa kế hoạch sử dụng vốn ODA vào kế hoạch".

Trước câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng bố trí vốn dàn trải, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trách nhiệm không thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phân bổ. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết hiện Kế hoạch vốn đầu tư năm 2017 đã giao hết, chỉ còn lại 1,5%.

Đặc biệt, về câu hỏi "Có phải vẫn tồn tại cơ chế xin cho nên mất thời gian thống nhất tổng số vốn và danh mục phân bổ hay không?" của đại biểu Hoàng Quang Hàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu lại quy trình phân bổ vốn hiện nay chi tiết cũng như xây dựng kế hoạch đề xuất và quyết định phân bổ chi tiết đều do các Bộ ngành và địa phương thực hiện. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ làm một việc là hướng dẫn xây dựng các tiêu chí định mức, nguyên tắc tiêu chí phân bổ; tổng hợp, rà soát, báo cáo lên Chính phủ và Chính phủ sẽ quyết định báo cáo cho Quốc hội, Quốc hội phê chuẩn thông qua; rồi quay ngược trở lại Chính phủ quyết định giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chi tiết.

"Toàn bộ quy trình hiện là như vậy nên không có chuyện xin cho" - Vị Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không có chuyện xin cho trong bố trí vốn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không có chuyện xin cho trong bố trí vốn Chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Trách nhiệm của Bộ với những bất cập của Luật Đầu tư công Chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Trách nhiệm của Bộ với những bất cập của Luật Đầu tư công 'Vướng mắc đầu tư công do luật mới, thực hiện còn lúng túng' "Vướng mắc đầu tư công do luật mới, thực hiện còn lúng túng"

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước