Nhức nhối nạn ăn chặn tiền chính sách

Ngọc Tú - Nhật Vy-Thứ năm, ngày 25/07/2013 23:07 GMT+7

 Chính sách đền ơn đáp nghĩa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn tình trạng không ít cán bộ chiếm dụng tiền chính sách, nhằm trục lợi cá nhân.

Gia đình liệt sĩ Ngô Văn Sơn ở ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau là một trong những trường hợp bị chặn tiền hỗ trợ, tiền trợ cấp theo quy định trong suốt một thời gian dài. Được biết, năm 1998, gia đình làm hồ sơ gửi UBND xã xin công nhận liệt sĩ nhưng không thấy hồi âm. Mãi đến năm 2012, bất ngờ nhận được 1 suất quà Tết. Từ đây, gia đình mới phát hiện là hồ sơ liệt sĩ Ngô Văn Sơn đã được công nhận từ lâu, nhưng thông tin lại bị sai lệch hoàn toàn.

Dư luận tại xã Hưng Mỹ cho rằng, ngoài trường hợp trên còn có khoảng 3-4 gia đình khác bị cán bộ thương binh xã hội xã ăn chặn tiền chính sách trong thời gian dài. Như vậy, nếu tính ra số tiền hỗ trợ đã bị tham ô cũng không hề nhỏ.

‘ Ảnh: VTV Cần Thơ

Ông Trịnh Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ, thừa nhận: "Rõ ràng là cán bộ thương binh xã hội của xã đã làm hồ sơ giả, làm không đúng đối tượng rồi sử dụng tiền cho mục đích cá nhân. Do đó Ủy ban xã cũng đang có hướng chỉ đạo, đề nghị phòng Lao động thương binh xã hội của huyện làm rõ và đồng thời có biện pháp xử lý".

Ngay tại xã Phương Bình - xã anh hùng của tỉnh Hậu Giang, vào năm 2009, 2 cán bộ của xã đã bị truy tố tội tham ô và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Những người vi phạm đều đã bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nhưng sự bức xúc của người dân, của những gia đình chính sách đến giờ vẫn chưa nguôi.

Bà Cao Thị Thu, xã Phương Bình bức xúc: "Năm chục rồi một trăm, nó đâu có lớn gì đâu. Vậy mà cán bộ đi ăn chặn hết tiền của các hộ chính sách".

Ông Đỗ Minh Thông, xã Phương Bình nhấn mạnh: "Các gia đình chính sách họ rất bức xúc, vì những đồng tiền ấy là tiền xương máu của chính họ".

Thời gian qua, ở nhiều địa phương, chuyện cán bộ “xà xẻo”, ăn bớt, hay tham ô tiền chính sách, hay những đường dây làm hồ sơ thương binh giả để trục lợi đều lần lượt bị phanh phui, trả lại công bằng cho những gia đình chính sách. Thế nhưng, điều cần hơn cả là hạn chế những vụ việc tương tự xảy ra.

Ông Trần Thành Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nghiêm túc nhìn nhận thiếu sót về cơ chế, đồng thời bày tỏ thái độ kiên quyết xử cán bộ sai phạm: "Do cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý của chính quyền địa phương chưa nghiêm nên trong thời gian qua tỉnh Hậu Giang cũng có một số vụ việc ăn bớt tiền của các hộ chính sách. Tuy nhiên, những trường hợp đó cũng ít thôi không phải nhiều và đã bị Chủ tịch ủy ban và Tỉnh ủy kiên quyết xử lý".

Như vậy, vấn đề “xà xẻo”, ăn bớt, hay tham ô tiền chính sách không chỉ nằm ở phẩm chất của người làm công tác thương binh xã hội, mà còn nằm ở cơ chế kiểm tra, giám sát trong thực hiện bởi có những vụ việc kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mới bị phanh phui, tố giác. Cũng vì điều này mà dư luận bức xúc, phải chăng cơ chế kiểm tra, giám sát trong thực hiện các chế độ chính sách đối với gia đình có công hiện nay còn lỏng lẻo, nhiều bất cập?

Hiện đang còn bao nhiêu trường hợp nữa chưa bị phát hiện? Những chính sách đền ơn, đáp nghĩa chính là thể hiện lòng tri ân của đất nước, của cả dân tộc đối với những thương binh, liệt sĩ và gia đình chính sách. Do vậy, dư luận mong muốn, những đối tượng làm sai sẽ bị trừng trị nghiêm minh để giữ vững tinh thần cao đẹp uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước