Nishimura Masanari - Người bạn lớn của khảo cổ học Việt Nam qua đời

Kim Ngân-Thứ sáu, ngày 14/06/2013 00:24 GMT+7

Ảnh: VTV News

 Nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimura Masanari - người bạn lớn của giới khảo cổ học Việt Nam đã qua đời ngày 9/6 sau một tai nạn giao thông đáng tiếc.

Cho đến nay, mảnh khuôn đúc trống đồng mà Nishimura tìm thấy tại Luy Lâu - Bắc Ninh năm 1998 vẫn là đầu tiên và duy nhất, khẳng định trống đồng được đúc tại Việt Nam là của người Việt Nam. Dấu ấn của ông với ngành khảo cổ học còn in đậm trong những nghiên cứu về thành Nhà Hồ, Hoàng Thành Thăng Long, Tràng An...

Ông được đánh giá là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phân tích địa tầng trong ngành khảo cổ học. Cũng nhờ có Nishimura, tháng 3/2012, Việt Nam có một bảo tàng cấp xã đầu tiên tại xã Kim Lan, Gia Lâm (Hà Nội), cung cấp những dấu tích quan trọng về sự cư trú của cư dân Việt cổ.

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội nói: “Cảm xúc của tôi khi nghe tin Nishimura mất không biết nói thế nào, từ đau cũng không đủ để tả, từ buồn cũng không đủ để tả. Nishimura gần như là người thân của giới khảo cổ học Việt Nam chứ không chỉ là một đồng nghiệp đơn thuần”.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam nhận xét: “Nishimura là một trong những nhà khảo cổ học nước ngoài am hiểu khảo cổ Việt Nam nhất. 20 năm ở Việt Nam, ông đã mang những phương pháp nghiên cứu hiện đại của Nhật Bản để giúp các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ”.

Nishimura còn có tên tiếng Việt là Lý Văn Sỹ. Bạn bè thường gọi vui là “người Việt gốc Nhật”. Trong 49 năm của cuộc đời mình, ông đã có 23 năm gắn bó với Việt Nam, dấu chân ông đã in trên khắp nẻo làng quê Việt, bất cứ nơi nào có những phát hiện khảo cổ mới nhất. Cũng tại nơi này, ông gặp người bạn đời của mình, có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Với ông, Việt Nam chính là quê hương thứ hai.

PGS.TS Nishimura Masanari, nhà khảo cổ Nhật Bản đã từng tâm sự: “Không chỉ sinh hoạt khoa học của tôi, mà cả sinh hoạt gia đình đã “dính” vào Việt Nam lâu rồi, cho nên nói chính xác là không có Việt Nam thì không thể suy nghĩ được. Tôi sẽ cố gắng để làm cùng với Việt Nam”.

Nishimura đã chọn Việt Nam để sống và theo tâm nguyện ông để lại cho người thân, ông cũng chọn Việt Nam là nơi yên nghỉ cuối cùng tại xã Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội. Ra đi ở tuổi 49, giờ đây sẽ không còn một di chỉ khảo cổ nào được ghi dấu chân ông, ông cũng chưa kịp nhận một danh hiệu nào cho những đóng góp của mình trên mảnh đất này. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất với ông là chính là cái tên thân thương "Nishimura - người Việt gốc Nhật", người bạn lớn mà chúng ta sẽ không bao giờ quên.

Mời quý vị xem video chi tiết dưới đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước