Nobel Kinh tế thuộc về hai nhà khoa học Mỹ

B.A (Nobel Prize.org, Wikipedia)-Thứ ba, ngày 11/10/2011 09:35 GMT+7

Vì những kết quả xuất sắc trong những nghiên cứu về mối quan hệ nhân quả trong kinh tế vĩ mô, hai nhà kinh tế học người Mỹ, giáo sư Thomas J. Sargent và giáo sư Christopher A. Sims đã được vinh danh giải thưởng Nobel kinh tế 2011.

GDP và lạm phát bị ảnh hưởng như thế nào khi có sự tăng lãi suất tạm thời hoặc cắt giảm thuế? Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngân hàng trung ương thay đổi lâu dài mục tiêu lạm phát hoặc chính phủ thay đổi mục tiêu cân bằng ngân sách? Hai chủ nhân của giải Nobel kinh tế năm nay đã phát triển các phương pháp để trả lời những vấn đề nêu trên và nhiều câu hỏi khác liên quan đến mối quan hệ nhân quả giữa chính sách kinh tế và các biến kinh tế vĩ mô khác nhau, chẳng hạn như GDP, lạm phát, việc làm và đầu tư.

Giáo sư Thomas Sargent đã cho thấy các dữ liệu cấu trúc kinh tế vĩ mô có thể được sử dụng để phân tích các thay đổi thường xuyên trong chính sách kinh tế. Phương pháp này có thể được áp dụng cho nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế vĩ mô khi hộ gia đình và các cdoanh nghiệp điều chỉnh kỳ vọng của họ đồng thời với sự phát triển kinh tế. GS Sargent đã chứng minh, ví dụ, sau thời kỳ chiến tranh thế giới II, khi nhiều quốc gia ban đầu có khuynh hướng thực hiện một chính sách lạm phát cao, nhưng cuối cùng đã áp dụng những thay đổi hệ thống trong chính sách kinh tế và kết quả đưa lại một tỷ lệ lạm phát thấp hơn.
Còn GS Christopher Sims đã phát triển một phương pháp dựa trên cái gọi là vec-tơ tự hồi quy (autoregression vector) để phân tích nền kinh tế đang bị ảnh hưởng thế nào bởi những thay đổi tạm thời trong chính sách kinh tế và các yếu tố khác. Sims và các nhà nghiên cứu khác đã áp dụng phương pháp này để kiểm tra, ví dụ, những tác động của sự gia tăng lãi suất của ngân hàng trung ương. Thường phải mất một hoặc hai năm để làm giảm lạm phát, trong khi tăng trưởng kinh tế giảm dần dần trong ngắn hạn và không trở lại sự phát triển bình thường cho đến vài năm sau.
Mặc dù Sargent và Sims thực hiện nghiên cứu độc lập, đóng góp của họ được bổ sung bằng nhiều cách. Chuyên đề của hai nhà kinh tế học tiến hành vào những năm 1970 và 1980 đã được chính họ và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới áp dụng. Ngày nay, các phương pháp phát triển bởi Sargent và Sims là những công cụ thiết yếu trong phân tích kinh tế vĩ mô.
Ông Thomas J. Sargent là nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, kinh tế tiền tệ, quốc tịch Mỹ, sinh năm 1943 tại thành phố Pasadena (bang California, Mỹ), tiến sĩ Đại học Harvard. Hiện ông là Giáo sư giảng dạy bộ môn Kinh tế và Kinh doanh tại Đại học New York, Mỹ.
Ông Christopher A.Sims, là nhà kinh tế học người Mỹ, sinh năm 1942 tại (Washington, Mỹ), tiến sĩ Đại học Harvard. Hiện ông là Giáo sư cấp cao giảng dạy bộ môn Kinh tế và Ngân hàng tại Đại học Princeton, bang New Jersey, Mỹ.
Giải Nobel kinh tế, tên chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel (tiếng Thụy Điển: Sveriges riksbanks pris i ekonomisk vetenskap till Alfred Nobels minne) là giải thưởng dành cho những nhân vật có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế học. Giải này được thừa nhận rộng rãi là giải thưởng danh giá nhất trong ngành khoa học này.
Giải Nobel kinh tế không phải là một trong năm giải Nobel đặt ra theo nguyện vọng của Alfred Nobel năm 1895. Giải này, như tên gọi chính thức của nó, là giải thưởng do Ngân hàng Thụy Điển đặt ra và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng và cũng để tưởng niệm Nobel. Giống như những người đoạt giải Nobel trong khoa học hóa học và vật lý, những người đoạt giải Nobel kinh tế là do Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển bầu chọn. Những người đoạt giải Nobel kinh tế đầu tiên là nhà kinh tế học người Hà Lan Jan Tinbergen và người Na Uy Ragnar Frisch vào năm 1969 "do đã phát triển và ứng dụng các mô hình động và phân tích các tiến trình kinh tế".
Tin bài liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước