Nơi Bác đi qua dấu chân còn in rõ

Huy Hùng-Thứ ba, ngày 29/10/2013 09:51 GMT+7

Chúng tôi đến gặp ông Ngô Vĩnh Bao tại nhà riêng ở Hào Nam (Hà Nội) được tận mắt xem các hiện vật tại bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thái Lan mà ông đã dày công sưu tầm.  

Những kỷ vật ở đây đã kể lại cho người xem thêm hiểu hơn về tình yêu bao la của Bác Hồ, cũng như sự lao khổ mà Người đã trải qua trên bước đường đi tìm độc lập, tự do cho dân tộc.

Miệt mài theo dấu chân phía trước…

Mùa thu năm 1928, sau cuộc chính biến của Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch; Nguyễn Ái Quốc phải tạm lánh sang đất Xiêm (Thái Lan) dưới tên gọi là Thầu Chín, Ông Thọ... Hai lần Bác Hồ đến Thái Lan tháng 7 năm 1928 và tháng 3 năm 1930, những năm tháng sống và hoạt động cách mạng trong lòng hai dân tộc Việt – Thái, Bác Hồ đã gây dựng nền tảng cách mạng ở Đông Dương ngày càng phát triển; tạo nên sức mạnh và làm nền móng cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Bắt đầu từ tình cảm đặc biệt của mình đối với Bác Hồ nên đã lâu lắm rồi ông Bao luôn có ý thức gìn giữ những gì liên quan đến Bác từ những bài báo, bức ảnh hay cuốn sách về Người. Gia đình ông là Việt kiều Thái Lan hồi hương, khi đất nước còn chiến tranh ông vào quân đội và tham gia chiến đấu ở chiến trường B.

Hoà bình lập lại, ông được đi học và sau đó làm việc tại Bộ Ngoại giao; sau đó được cử sang làm việc ở Tổng lãnh sự Việt Nam ở Thái Lan. Chính nhờ vậy, mỗi khi có thời gian rỗi ông tranh thủ đi đến khắp các vùng, ngõ xóm của của nước này để thu thập, tìm kiến những kỷ vật; gặp gỡ những nhân chứng gắn với thời gian Bác Hồ hoạt động ở nước này.

‘ Ông Ngô Vĩnh Bao với những tập sơ đồ hành trình của Bác Hồ từng sống và làm việc

Ngoài những tư liệu lịch sử, ông Bao thu thập tất cả những cuốn hồi ký của những người đã sống và làm việc với Bác, qua đây ông tìm đến những nơi Bác đã từng sống và làm việc.

Những năm trước đây, việc một người Việt Nam đi tìm kiếm những tư liệu về Hồ Chủ Tịch ở Thái Lan không phải là dễ, tuy nhiên: Quả thực đi tìm lại những tư liệu, hiện vật về Bác ở Thái Lan trước năm 2003 không phải là dễ. May cho tôi là kiều bào ta rất nhiệt tình giúp đỡ, và khi tiếp xúc với họ mới thấy rằng ai cũng giữ trong lòng một tình cảm đặc biệt đối với Bác nên họ hết sức giúp đỡ- ông Bao cho biết.

Ông Bao cho biết thêm, mặc dù hồi đó Bác sống và hoạt động hết sức bí mật nhưng tác phong, lối sống, làm việc của người mang tên Thầu Chín đã thực sự để lại cho bà con Việt kiều. Cho đến bay giờ những việc làm đầy nhân ái của Người vẫn được bà con Việt kiều truyền tụng nhằm răn dạy cháu con. Bởi thế, đến hôm nay những thế hệ con cháu của họ vẫn luôn tôn thờ vị cha già của dân tộc Việt.

Ông Bao chỉ vào tượng Phật hoa Bác Hồ và nói: Đây là bức tượng được làm bằng tro của hoa trộn với sáp ong do chủ trì chùa Vắt Phô Thi Xôm Phon(tỉnh U Đon Tha Ni) làm khi Bác mất(1969) vẫn được bà con Việt kiều gìn giữ như một báu vật. Năm 2001 khi biết tôi đi sưu tầm những kỷ vật về Bác Hồ, họ đã tặng lại tôi như muốn biểu lộ tấm lòng luôn hướng về Bác Hồ như hướng về quê hương.

Trong nhiều năm trời, ông đã tìm gặp và được tặng lại rất nhiều các hiện vật. Chúng rất giản dị nhưng đã trở thành vật thiêng của các kiều bào ta ở Thái Lan. Từ những chiếc giường; ghế tựa; chiếc rìu sắt… Bác sử dụng từ năm 1929 đến những tấm ảnh; huy hiệu Bác Hồ do chính bà con tự làm để tưởng nhớ khi Người ra đi… qua ngần ấy thời gian vẫn được gìn giữ rất cẩn thận. Đến nay, ông Ngô Vĩnh Bao đã thu thập được hàng trăm hiện vật, hàng ngàn bức ảnh, sách, tài liệu về Bác Hồ ở Thái Lan. Và ông đã gặp nhiều người đã từng làm việc, hay gặp Bác Hồ nên thu thập được nhiều câu chuyện rất đỗi dung dị nhưng cảm động về một con người vĩ đại- Hồ Chí Minh.

Niềm tin thiêng liêng sống mãi…

Nhà ông Ngô Vĩnh Bao nằm khá sâu trong khu Hào Nam, trong gia đình có đến 3 thế hệ chung sống nhưng ông vẫn dành diện tích đủ rộng để trưng bày những hiện vật về Bác Hồ mà mình đã sưu tầm được. Tất cả các hiện vật đều được ông ghi chú chi tiết từ xuất xứ, quá trình tìm kiếm và nó gắn với Bác Hồ như thế nào…

Đặc biệt, từng nhóm hiện vật, hình ảnh… kết hợp với các người cứ liệu khác, ông đã tái hiện lại những nơi Bác đã từng đến bằng cách vẽ chi tiết trên bản đồ và ghi rõ thời gian Bác đến, lưu lại; gặp ai; làm việc gì… Cho nên, chỉ cần xem trên bản đồ đó, người xem sẽ dễ dàng hình dung lại hoàn cảnh hoạt động của Bác Hồ lúc bây giờ như thế nào.

Để có được sự tái hiện này, ông Bao đã phải tốn rất nhiều công sức. Ngoài thời gian đi tìm kiếm, thu thập các hiện vật, một công đoạn khác cũng đòi hỏi phải cần nhiều thời gian đó là việc thẩm định giá trị lịch sử của nó. Ông Bao khẳng định: Tất cả những gì tôi trình bày ở đây là đã được đối chiếu rất cẩn thận với, một là nguồn sách tiếng Thái Lan viết về Bác(ông Bao là người có nhiều sách tiếng Thái viết về Bác Hồ nhất Việt Nam- PV); thứ hai là căn cứ vào các hồi ký của những người đã từng làm việc với Bác; ba là gặp gỡ thế hệ việt kiều trước năm 1945.

Đến tham quan bảo tàng về Bác Hồ của ông Bao, ngoài những hiện vật mà ông đã tìm được ở Thái Lan, còn một công trình mà ông cũng đã tốn rất nhiều công sức làm nên. Đó là cuốn sách lịch sử đặc biệt về Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh. Nét đặc biệt không phải nằm ở nội dung mà ở cách thể hiện. Đó là ông Bao đã bỏ ra ngót ngét cả chục năm trời để thể hiện cuốn sách lịch sử về Bác Hồ(từ năm 1911 đến 1967) theo tiêu chí xem nhiều hơn đọc mà nội dung thông tin vẫn được đảm bảo. Mục đích của ông là chỉ cần xem một lượt là có thể nhớ luôn! Cách làm của ông là, chia nhỏ từng chặng đường, từng giai đoạn hoạt động của Bác Hồ rồi thể hiện trên bản đồ một cách chi tiết và đầy đủ nhất về các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong từng giai đoạn ấy, ông lại sử dụng nguồn tư liệu hình ảnh sưu tầm được để minh hoạ, giản lược tối đa chữ viết. Về mặt nội dung thông, ông cho biết. Sau khi làm xong ông đã đối chiếu với Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử của NXB Chính trị Quốc gia và đã hiệu đỉnh lại nên tính chuẩn xác cũng đảm bảo.

Đã bao năm dồn tâm sức thực hiện công việc này, tiếp xúc với bà con kiều bào, ông Bao đúc rút: Những điều Bác nói và làm đã trở thành niềm tin thiêng liêng bền vững trong mỗi người con đất Việt, cho dù họ sinh sống xa quê hương! Đến nay, công việc sưu tầm tư liệu về Bác Hồ của ông Bao đã hòm hòm, hưởng ứng cuộc vận động Học tậpvà làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ông Ngô Vĩnh Bao đang mong muốn có dịp để trưng bày giới thiệu bảo tàng về Bác Hồ của mình với công chúng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước