Nước thử áp lực Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn không có hại

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 20/09/2016 08:43 GMT+7

VTV.vn - Đây là nhan đề bài viết đáng chú ý trên tờ Năng lượng mới sáng nay (20/9).

* Theo báo Đại biểu Nhân dân ngày 20/9, 8 tháng qua, thời gian chưa nhiều nhưng đã ghi dấu ấn với những hành động quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Từ vụ Trịnh Xuân Thanh, cho tới thoái vốn tại Habeco, Sabeco, hay việc Hà Nội quyết dừng chi 700 tỷ đồng cắt cỏ tỉa cây, rồi Thành phố Hồ Chí Minh tuyên chiến với tội phạm...

Nhưng cũng cần nhận thức rõ, người dân càng kỳ vọng thì sẽ càng nhìn vào những hành động của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Chỉ khi dân tin vào những hành động, thì đó mới là sức mạnh.

* Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay (20/9) có bài viết đáng chú ý: Phải chặn đứng "nhất hậu duệ, nhì quan hệ".

Bài báo nêu lên một thực tế, trong quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay, từ đề xuất, họp bàn trong tập thể lãnh đạo, xin ý kiến cấp ủy, ký quyết định bổ nhiệm rồi lấy phiếu tín nhiệm đều do lãnh đạo đơn vị thực hiện. Điều đó có nghĩa là người thủ trưởng tham gia vào tất cả khâu. Nếu như lãnh đạo không dân chủ, không công tâm, sẽ rất dễ dẫn đến sự "lệch lạc, hình thức" trong bổ nhiệm cán bộ, ngay cả khi mọi thứ được thực hiện đúng quy trình.

* Cũng liên quan đến vấn đề bổ nhiệm người nhà vào vị trí lãnh đạo, trên tờ Lao động, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đã thẳng thắn cho rằng, có sơ hở về quy trình bổ nhiệm cán bộ.

Theo ông Hùng, ở Việt Nam không phải chưa từng có tiền lệ việc nhiều người trong một gia đình, một dòng họ cùng làm quan chức ở tỉnh, thậm chí cùng một huyện. Dù họ có giải thích, khẳng định việc bổ nhiệm được thực hiện đúng quy trình thì cũng cần làm rõ quy trình ở đây là thế nào.

* Một chủ đề được báo Lao động Thủ đô bàn luận tới ngày hôm nay (20/9) đó là: Để công chức, viên chức thực sự sống được bằng lương.

Theo bài báo, tiền lương chưa gắn chặt với vị trí, chức danh và hiệu quả công tác. Bằng chứng là lương của một tiến sĩ, trưởng phòng nghiên cứu khoa học cũng chỉ bằng lương của một người giúp việc trong gia đình và thấp hơn lương trung bình của một lái xe taxi ở Hà Nội. Bởi vậy, cần sớm có bước đột phá trong cải cách tiền lương cơ sở, trong đó tinh giản biên chế cần được đặt ra như một yêu cầu cấp bách.

* Theo bài viết trên tờ Năng lượng mới, nước thử áp lực của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn không có hại.

Việc xả nước thải thử áp lực, làm sạch đường ống dẫn dầu thô mà chưa được cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường là sai quy định, cần phải xử lý nghiêm. Nhưng mặt khác, những hóa chất trong hơn 40.000 m3 nước thải mà Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đổ ra biển là những hóa chất không gây nguy hại đến môi trường. Chẳng hạn, chất hydrosure là chất tẩy rửa thân thiện với môi trường được sử dụng trong dầu gội đầu, nước xả vải.

* Theo tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam, nhiều ngân hàng hiện nay khá dè chừng với cấp tín dụng cho các dự án BOT hoặc có cấp thì cấp theo định hướng "rút nhanh, tránh vạ thanh khoản".

Nhiều ngân hàng đang chỉ chấp nhận thời gian thu hồi vốn kéo dài 10 năm chứ không chấp nhận thu hồi vốn theo vòng đời dự án BOT. Ngoài ra, việc thẩm định tính hiệu quả của các dự án BOT cũng được làm kỹ lưỡng.

* Trong dự thảo Luật Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây đã đề xuất chuyển từ thủy lợi phí sang cơ chế giá. Hôm nay (20/9), báo Kinh tế và Đô thị đã có bài viết bày tỏ lo lắng về chủ trương này.

Bài báo nêu ra một thực tế đó là nông dân đang được miễn thủy lợi phí mà ở nhiều nơi còn bỏ ruộng. Nếu tính theo cơ chế giá, chi phí sản xuất tăng lên thì tâm lý bỏ ruộng sẽ còn nhiều hơn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước