Ông già 6 năm leo núi hương khói cho cụ Huỳnh Thúc Kháng

Hoàng Huế-Thứ tư, ngày 17/07/2013 10:45 GMT+7

 Nhấn ga hết cỡ chiếc xe Honda mới từ từ bò trên con đường xoáy trôn ốc lên đỉnh núi Ấn (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Vậy mà ngày ngày, ông Nguyễn Tạo đều chống gậy lên đỉnh núi để hương khói cho cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, người chí sĩ anh hùng dân tộc

Đã sáu năm nay, ông Nguyễn Tạo, 79 tuổi, quê ở xã Tịnh Ấn Tây, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đều tự nguyện lên đỉnh núi Ấn bầu bạn với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Như thường lệ, sáng 7 giờ ông lên hương khói, dọn dẹp làm vệ sinh cho lăng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, chiều 5 rưỡi ông lại chống gậy đi về.

Với một khuôn mặt hiền từ, phúc hậu và một giọng nói trầm truyền cảm, ông kể về tiểu sử của cụ Huỳnh Thúc Kháng bằng cả tấm lòng kính trọng: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm Bính Tý - 1876, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Hồi nhỏ nổi tiếng thông minh học giỏi, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn năm 1904… thấu hiểu cảnh khổ đau, đất nước lầm than, nhân dân nô lệ, trực tiếp chứng kiến phong trào đấu tranh yêu nước bị kẻ thù đàn áp đẫm máu. Đầu thế kỷ 20, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các ông Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp khởi sướng phong trào Duy Tân. Các hoạt động phong trào này, đánh thức khơi dậy cho nhân dân, tinh thần phản kháng đối với thực dân Pháp và vua quan bù nhìn…”.

‘ Lăng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng

Vẫn những câu nói súc tích ấy, ông Tạo còn chia sẻ thêm về những mốc son cuộc đời cụ Huỳnh gắn với lịch sử dân tộc. “Trong hoàn cảnh không thể trực tiếp dùng bạo lực cách mạng để đấu tranh, năm 1927 cụ Huỳnh Thúc Kháng đã sáng lập ra tờ báo Tiếng Dân để đấu tranh tố cáo chính sách nô dịch của thực dân Pháp và vạch mặt bọn Việt gian, đòi dân sinh dân chủ…".

Tháng 6 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi sang Pháp, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Bác trao làm Quyền Chủ tịch nước. Khi đó Bác có dặn cụ Huỳnh rằng: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Từ một chí sĩ yêu nước, cụ trở thành nhà lãnh đạo tài ba, xử lí, giải quyết đúng đắn nhiều vấn đề. Trước khi mất, trong lời ghi chúc của cụ Huỳnh có nói: “Ấn thiên hồn gửi non côi/ Linh hồn chí sĩ an đồi bình sinh”. Đó cũng chính là sở nguyện của cụ, được an nghỉ tại núi Ấn trên mảnh đất xứ Quảng quê hương và cũng là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi – “Thiên Ấn niên hà” (Ấn trời đóng xuống sông).

‘ (Ông Nguyễn Tạo bên lăng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng)

Tấm gương về bài học uống nhớ nguồn

Nở nụ cười hiền từ, ông Tạo nói: “Cụ Huỳnh là một chí sĩ yêu nước, một danh nhân của dân tộc. Được ngày ngày đến trông coi, hương khói cho cụ là tôi cảm thấy rất vui, phấn khởi và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”. Nên dù có rất nhiều người nói rằng: Ông già rồi lên đây chi cho mệt. Nhưng lên đây hương khói cho cụ Huỳnh, tôi thấy tinh thần thoải mái, thanh thản; không khí lại trong lành, tôi ăn ngon ngủ ngon hơn. Nên mấy năm nay, tôi đi miết.

Nghe ông kể về tiểu sử của cụ Huỳnh, có lẽ không một ai lại không ấn tượng về giọng nói của ông. Cái giọng xứ Quảng trầm ấm ấy, như gieo vào lòng khách đến viếng mộ tinh thần yêu nước cháy bỏng, niềm tự tôn dân tộc anh hùng. Anh Đặng Quang Hưng, giáo viên tại tỉnh Quảng Ngãi sau khi nghe ông nói cũng thốt lên rằng: “Có lẽ phải có một tấm lòng nhiệt huyết và vốn kiến thức lịch sử sâu rộng thì ông mới có thể kể về cụ Huỳnh Thúc Kháng hay đến như vậy”. Và chính ông Tạo cũng đã dạy cho thế hệ hôm nay biết một bài học về lòng biết ơn, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Với một công việc thầm lặng nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn như vậy, ông Tạo chỉ có một mong muốn nhỏ nhoi rằng: “Tôi chỉ mong cụ Huỳnh phù hộ cho tôi được mạnh khoẻ, để tôi được trông coi cụ lâu hơn nữa”. Được thắp nén nhang cho người chí sĩ, anh hùng của dân tộc Việt Nam – cụ Huỳnh Thúc Kháng và được gặp ông Tạo có lẽ là một cơ duyên của đứa con xứ Bắc như tôi. Trên đường xuống núi, dường như vẫn còn văng vẳng đâu đây câu nói của cụ Huỳnh:

“Nọ núi Ấn, này sông Trà
Non sông đó đang chờ ta thêu dệt”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước