Pháp bắt đầu nóng bầu cử Tổng thống

Hồng Quang-Thứ tư, ngày 07/03/2012 11:30 GMT+7

Còn 2 tháng nữa, cử tri Pháp sẽ đi bầu Tổng thống cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo. Từ khi Tổng thống đương nhiệm tuyên bố ra ứng cử nhiệm kỳ 2, không khí chính trị ở Pháp bắt đầu nóng lên.

Ông Sarkozy (phải) đang thất thế trước ông Hollande. Ảnh: Reuters
Cho đến nay, đã có 6 người tuyên bố tranh cử lần này, trong đó nổi bật hơn cả là ứng cử viên đảng Xã hội, ông François Hollande và Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy của đảng UMP cánh hữu. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thất nghiệp có xu hướng tăng, các ứng cử viên đều nhấn mạnh tới các giải pháp ưu tiên tạo việc làm, nhất là việc làm cho thanh niên.
Tại Pháp, tỷ lệ thất nghiệp là 9,1%, nhưng với thanh niên dưới 25 tuổi thì tỷ lệ thất nghiệp lên tới 21% (tức là cứ 5 thanh niên dưới 25 tuổi, thì một người không có việc làm). Trong bối cảnh hiện nay, giữ được tỷ lệ này đã khó, làm giảm còn khó gấp bội.
Alain Guillot, nhân viên ngân hàng Natixis phát biểu: “Tôi nghĩ rằng, thất nghiệp phải là chủ đề trung tâm của bầu cử, vì xung quanh tôi càng ngày tôi càng thấy nhiều người thất nghiệp. Cùng với cuộc khủng hoảng hiện nay trong các nước sử dụng đồng Euro, thì tạo việc làm và giảm thất nghiệp đương nhiên là chủ đề chính của các chiến dịch tranh cử lần này”.
Các ứng cử viên Tổng thống đều ý thức rõ ràng rằng, để thuyết phục được cử tri Pháp thì phải giải được bài toán khó này. Ứng cử viên đảng xã hội, ông François Hollande nhấn mạnh vào giáo dục và dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên nước ngoài. Ông Hollande cũng cam kết giảm thuế cho các doanh nghiệp nhận thanh niên vào thực tập học nghề và mở rộng hoạt động trên lãnh thổ Pháp.
Còn ông Nicolas Sarkozy, Tổng thống đương nhiệm cũng đưa ra nhiều đề xuất liên quan đến việc làm, trong đó nổi bật nhất là cải cách chế độ trợ cấp, giảm thuế cho người có thu nhập thấp và hạn chế mức lương của cán bộ cao cấp trong các doanh nghiệp lớn. Một biện pháp nữa là buộc các doanh nghiệp phải mở cửa rộng hơn với thanh niên đến thực tập. Các doanh nghiệp có trên 250 nhân viên, bắt buộc phải duy trì tối thiểu 5% nhân lực là nhân viên học việc.
Nhà báo Julien Ginoux nhận định: “Cả hai ứng cử viên đều xây dựng chiến dịch tranh cử hướng về giới trẻ, vì cả hai đều biết rất rõ rằng, lá phiếu của cử tri là thanh niên có giá trị quyết định, hướng về giới trẻ và cả tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên giữa hai người thì tôi thấy ông François Hollande chú trọng đến giới trẻ nhiều hơn, còn ông Nicolas Sarkozy thì vẫn hướng về cử tri truyền thống”.
4 ứng cử viên khác tuyên bố ra tranh cử Tổng thống năm nay cũng đều khai thác đề tài thất nghiệp và tạo việc làm.
Bác sĩ Võ Toàn Trung cho rằng: “Nước Pháp hiện có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, nhưng mà vấn đề giải quyết việc làm cho lớp trẻ đó là một trong những vấn đề khó khăn nhất. Vì thế các ứng cử viên người ta đưa ra một số chương trình tranh cử thì các luận điểm tranh cử gần giống nhau”.
Một điểm bất lợi của Tổng thống đương nhiệm là, trong lần bầu cử trước, cách đây 5 năm, ông Sarkozy đã hứa sẽ giải quyết triệt để nạn thất nghiệp. Giờ đây người Pháp cho rằng, Tổng thống đã không thực hiện được cam kết, còn ông Sarkozy thì đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế đã làm cho ông không thể giữ lời. Theo thống kê, khi ông Sarkozy bắt đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp là 7,5%, nay thì tỷ lệ này lên tới 9,1%.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước