Phát hiện di cốt người Việt cổ niên đại 3.500 năm

Hoàng Trang-Thứ ba, ngày 08/01/2013 23:43 GMT+7

Những hiện vật được phát hiện. Ảnh: VTV

Trong đợt khai quật mới nhất từ trung tuần tháng 12/2012 đến nay, thêm nhiều di vật, đặc biệt là bộ di cốt của người Việt cổ niên đại 3.500 năm đã được phát hiện tại khu di chỉ khảo cổ Đồng Đậu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Những di vật này là yếu tố quan trọng từng bước làm sáng tỏ thêm về lịch sử phát triển, nguồn gốc tổ tiên cũng như những sáng tạo văn hoá độc đáo của cư dân Việt cổ trải dài suốt ba giai đoạn văn hoá điển hình từ Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun, tiền thân của văn hoá Đông Sơn.

Đây là đợt khai quật lần thứ bảy tại di chỉ gò Đồng Đậu được các chuyên gia của Hội khảo cổ học Việt Nam, khoa Sử trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn và Sở VHTT-DL tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp thực hiện từ ngày 11/12/2012. Chỉ với diện tích hố khai quật 25m2, nhưng bên cạnh hàng trăm hiện vật được phát lộ, lần thứ hai các nhà khảo cổ đã phát hiện được di cốt người Việt cổ. Điều đáng nói là bộ di cốt gần như nguyên vẹn được táng trong một ngôi mộ hoàn chỉnh ở độ sâu 3,2m đã khẳng định quá trình định cư, canh tác và những sáng tạo phát triển rất sớm của cư dân việt cổ giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên ở lưu vực sông Hồng.

PGS, TS Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Hội cổ sinh địa tầng Việt Nam cho biết: “Ngoài hai thông tin có thể khẳng định về nguồn gốc cư dân tìm thấy lần này là nam giới, cao 1m60, chúng tôi còn biết được, ngay từ hàng ngàn năm trước, cư dân Phùng Nguyên đã có tục nhuộm đen răng và nhổ răng cửa. Đây là những tục lệ mà chúng tôi có thể khẳng định thông qua những nghiên cứu đã tìm được ở Phú Thọ, Hà Nội hay một vài điểm khác. Nhưng quan trọng hơn giá trị của những di vật này là ở chỗ, về mặt nhân chủng, di cốt cư dân Phùng Nguyên tìm được là rất hiếm và cực kỳ có giá trị trong việc khẳng định, kết nối, tìm về nguồn gốc của tổ tiên người Việt cổ chúng ta”.

Chưa bao giờ trên một diện tích khai quật nhỏ mà các hiện vật từ đồ đá, đồng, xương, gốm được phát hiện nhiều như thế. Đặc biệt nhất, chính là những mảnh đồ gốm được khẳng định là do cư dân dùng bàn xoay tạo nên, cho thấy trình độ sáng tạo vượt bậc của người Việt cách đây hàng ngàn năm.

PGS, TS Hoàng Xuân Chinh, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam nhận xét: "Bằng những thanh tre, những mũi nhọn, xương, người ta đã có thể vạch nên những hình khắc, hoa văn, chấm giải, đối xứng tinh xảo. Có thể khẳng định, trong lịch sử Việt Nam, gốm Phùng Nguyên là giai đoạn sớm và đẹp nhất".

Những phát hiện tại di chỉ Đồng Đậu đã minh chứng cho một giai đoạn lịch sử quan trọng của người Việt cổ trong quá trình rời bỏ rừng núi để dần chiếm lĩnh vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bởi vậy, nó góp phần làm sáng tỏ quá trình dựng nước của các vua Hùng, khởi nguồn của dân tộc Việt Nam.

Từ khóa:

khảo cổ

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước